Được sự cho phép của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, từ ngày 03-08/4/2025, đoàn công tác của Cục Sở hữu trí tuệ, do Phó Cục trưởng Lê Huy Anh làm Trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp. Tham gia Đoàn công tác có sự tham gia của Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội
Họp song phương giữa Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI): Củng cố quan hệ hợp tác
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã có đến thăm và có buổi làm việc với Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI), tại Courbevoie, Paris.
Về phía INPI, có sự tham dự của Ông Pascal Faure, Viện trưởng INPI, bà Céline Boisseau, Điều phối viên mạng lưới quốc tế, Ông Fabrice Perrono, Tùy viên Sở hữu trí tuệ của INPI tại ASEAN và một số cán bộ khác.
Về phía Việt Nam, ngoài các thành viên Đoàn công tác còn có sự tham gia của Ông Trần Mạnh Hùng, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Trưởng Văn phòng đại diện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Pháp và Bà Nguyễn Thị Phượng, Bí thư thứ nhất, cán bộ Văn phòng.
Đoàn công tác có buổi làm việc với Ông Pascal Faure, Viện trưởng Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI), tại trụ sở INPI, ngày 07/4/2025 (Nguồn: Cục SHTT)
Thay mặt INPI, Ông Pascal Faure chia sẻ, trong năm 2024, INPI tiếp nhận hơn 15.400 đơn đăng ký sáng chế, ghi nhận tỷ lệ tăng 7,5% so với năm 2020, trong đó lượng đơn từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng cao. Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu, INPI tiếp nhận hơn 90.000 đơn (giảm 2,4% so với năm 2023). Đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, INPI tiếp nhận hơn 5.300 đơn, giảm 3,8% so với năm 2023. INPI kỳ vọng lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ tăng trưởng trở lại sau khi Hiệp ước Luật kiểu dáng (DLT) được ký kết vào tháng 11/2024 cũng các quy chế mới của Liên minh châu Âu nhằm đồng bộ hoá các quy trình liên quan đến kiểu dáng được ban hành.
INPI cũng chia sẻ lộ trình phát triển giai đoạn 2025-2029 với 4 trụ cột chính: (i) nâng cao chất lượng công việc thông qua áp dụng các công cụ làm việc thế hệ mới trong cả các dịch vụ dành cho công chúng cũng như quy trình nội bộ; (ii) hỗ trợ sự tăng trưởng của doanh nghiệp thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức về SHTT trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; (iii) cải tiến, hiện đại hoá hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu thông qua các giải pháp số; (iv) nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc thông qua giải quyết các thách thức về môi trường và xã hội.
Về phía Việt Nam, Phó Cục trưởng Lê Huy Anh nhấn mạnh các thông tin quan trọng, như Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đặt ra một số mục tiêu đáng chú ý: kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đặt mục tiêu số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 – 18%/năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt 8 – 10%.
Phó Cục trưởng Lê Huy Anh cũng chia sẻ một số tình hình phát triển của Cục SHTT: (i) năm 2024, Cục SHTT tiếp nhận khoảng 10.000 đơn đăng ký sáng chế, 60.000 đơn nhãn hiệu, 3.500 đơn kiểu dáng công nghiệp; (ii) Cục SHTT được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng đơn sở hữu công nghiệp trước tháng 10/2025; (iii) Cục SHTT đang nỗ lực nhằm cải tiến cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu suất công việc; (iv) Cục cũng đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ chế tài chính đặc thù đã được áp dụng trước đây của Cục SHTT.
Hai Bên nhất trí tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực như hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, chỉ dẫn địa lý, đào tạo cán bộ, SHTT và trí tuệ nhân tạo, chia sẻ thông tin.
Ông Pascal Faure, Viện trưởng INPI tặng Cục SHTT bản sao Bằng sáng chế số 164364 của Pháp, cấp cho giải pháp “Cấu hình mới nhằm xây dựng các giá đỡ và cột tháp bằng kim loại có khả năng vượt quá độ cao 300 mét” nộp đơn ngày 18/9/1884, ứng dụng cho công trình nổi tiếng Tháp Eiffel (Nguồn: Cục SHTT)
Kinh nghiệm về chuyển giao công nghệ của Pháp
Đoàn đã làm việc với Trường Đại học Khoa học và Nhân văn Pháp (PSL), Trung tâm Xúc tiến Chuyển giao Công nghệ phía Bắc (SATT Nord) và đơn vị chăm sóc khách hàng của INPI. Các buổi thảo luận cung cấp thông tin chi tiết và sâu sắc hơn về hệ thống chuyển giao công nghệ tại Pháp, với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan SHTT, trường đại học và doanh nghiệp.
Hệ thống chuyển giao công nghệ tại Pháp bao gồm nhiều tổ chức khác nhau hoạt động trên nhiều cấp độ, từ địa phương đến quốc gia.
Cấp địa phương: bao gồm các dịch vụ phát triển của các trường học và trường đại học, nơi có các tổ chức chuyển giao công nghệ được thành lập để giải quyết các vấn đề liên quan đến SHTT và chuyển giao công nghệ. Các tổ chức này làm nhiệm vụ kết nối các nhà nghiên cứu với doanh nghiệp và hỗ trợ trong việc thương mại hóa các sáng chế.
Cấp vùng: có 13 tổ chức thúc đẩy chuyển giao công nghệ (Sociétés d’Accélération du Transfert de Technologies – SATT) là tổ chức tư nhân sử dụng ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm quản lý và thúc đẩy các quy trình chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học công lập cho doanh nghiệp trong một khu vực địa lý cụ thể. SATT thực hiện chức năng tìm kiếm, đánh giá và phát triển các sáng chế từ các phòng thí nghiệm công để tiến tới thương mại hóa.
Cấp quốc gia: bao gồm các dịch vụ phát triển thuộc các tổ chức nghiên cứu lớn như CNRS, INSERM, INRIA, và CEA. Những tổ chức này sở hữu các dịch vụ phát triển chuyên môn tập trung vào các vấn đề về chuyển giao công nghệ và SHTT.
Bên cạnh đó còn có sự tham gia của những đơn vị không có chuyên môn hoặc ít kinh nghiệm hơn, như là các cụm cạnh tranh, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thông qua sự phối hợp giữa các tổ chức này, các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực SHTT có thể được quản lý hiệu quả, bao gồm việc bảo vệ kết quả nghiên cứu, đánh giá giá trị đóng góp của các công nghệ, và hợp tác giữa các bên liên quan trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ.
Cấu trúc tổ chức hệ thống chuyển giao công nghệ của Pháp cho phép các cơ sở giáo dục, nghiên cứu và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ trong việc phát triển và chuyển giao công nghệ. Những kinh nghiệm này là bài học quý giá cho Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ.
Tham dự Triển lãm quốc tế về Chỉ dẫn địa lý
Điểm nhấn của chuyến công tác là việc tham dự Triển lãm quốc tế về Chỉ dẫn địa lý đối với các loại quả cam – chanh, diễn ra từ ngày 4-6/4/2025 tại Menton, Pháp. Với hơn 40 gian hàng và 20 tọa đàm, triển lãm quảng bá các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, như chanh Menton, cùng các sản phẩm phụ như mứt và dầu chanh.
Phó Cục trưởng Lê Huy Anh đã tham gia tọa đàm “Chỉ dẫn Địa lý: Thành công, Kiểm soát và Thách thức”, giới thiệu hệ thống chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và các thách thức trong phát triển lĩnh vực này.
Phó Cục trưởng Lê Huy Anh tham dự Toạ đàm “Chỉ dẫn Địa lý: Thành công, Kiểm soát và Thách thức”, ngày 05/4/2025, tại Menton, Pháp (Nguồn: Cục SHTT)
Đoàn cũng tham quan khu vực trồng và chế biến chanh Menton, tìm hiểu quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng và phân phối sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Hệ thống quản lý bài bản của Pháp, với sự tham gia của nhiều bên như INPI, INAO, chính quyền địa phương và hiệp hội nhà sản xuất, là mô hình đáng học hỏi để nâng cao giá trị các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam./.
Một số hình ảnh Đoàn tham quan khu vực trồng và chế biến sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý chanh Menton
Nguồn: Cục SHTT