Trong hai ngày 17 và 19 tháng 12 năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức hai Hội nghị Giới thiệu Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2019, Văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng kí kiểu dáng công nghiệp (KDCN) của Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực, đưa Việt Nam trở thành thành viên chính thức trong Hệ thống La Hay về Đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp (gọi tắt là Hệ thống). Khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài có thể thông qua Hệ thống để nộp đơn đăng ký bảo hộ KDCN tại Việt Nam, cũng như người nộp đơn trong nước có thể sử dụng Hệ thống để đăng ký bảo hộ KDCN tại nước ngoài. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã giao cho Trung tâm Thẩm định kiểu dáng công nghiệp tổ chức hai hội nghị, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhằm phổ biến các quy trình và cách thức sử dụng Hệ thống cho người nộp đơn.
Cả hai buổi hội nghị đều nhận được sự quan tâm, tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, các doanh nghiệp, cá nhân thường xuyên nộp đơn đăng ký bảo hộ KDCN, các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học và các cán bộ từ nhiều đơn vị trong Cục SHTT.
Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì hội nghị
Tại hội nghị, các báo cáo viên từ Trung tâm Thẩm định KDCN đã trình bày những vấn đề tổng quan về Hệ thống. Hệ thống La Hay đã được thành lập từ hơn 80 năm trước, có sự tham gia của các quốc gia nắm giữ nhiều văn bằng bảo hộ KDCN như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thông qua Hệ thống này, việc đăng ký bảo hộ KDCN tại nhiều quốc gia có thể thực hiện đồng thời chỉ bằng một đơn đăng ký duy nhất nộp tại Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO). Người nộp đơn chỉ cần khai một bộ hồ sơ duy nhất, nộp các khoản phí đăng ký một lần bằng một loại tiền tệ duy nhất và chỉ định những quốc gia mong muốn được bảo hộ, Văn phòng quốc tế sẽ làm các thủ tục còn lại và chuyển yêu cầu đăng ký bảo hộ tới các quốc gia được người nộp đơn chỉ định.
Ông Nguyễn Quang Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định KDCN trình bày báo cáo
Nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận nhiều nhất trong hội nghị là các vấn đề liên quan tới những tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập Thỏa ước La Hay. Nói cách khác, đây là những yêu cầu của Việt Nam đối với đơn và thủ tục xử lý đơn đăng ký KDCN có chỉ định Việt Nam. Những vấn đề nổi bật bao gồm các quy định về bộ ảnh chụp, bản vẽ KDCN, quy định về phần mô tả, yêu cầu bảo hộ, phí nộp đơn, thời hạn thẩm định… Những tuyên bố này đã được Việt Nam đưa ra trong Văn kiện gia nhập, nhằm mục đích hài hòa hóa những khác biệt về quy định pháp luật hiện đang áp dụng cho đơn đăng ký KDCN trong nước và đơn đăng ký qua Hệ thống La Hay. Trong tương lai, những tuyên bố này có thể được điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với quá trình phát triển của xã hội và sự thay đổi của pháp luật quốc gia.
Một nội dung khác cũng được các đại biểu rất quan tâm là các cách thức nộp đơn qua Hệ thống La Hay. Khác với hệ thống Madrid cho đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn đăng ký KDCN qua hệ thống La Hay có thể gửi đơn trực tiếp tới Văn phòng quốc tế mà không cần nộp đơn quốc gia trước đó, cũng như không cần nộp thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Đơn có thể gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến qua cổng điện tử của WIPO. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đóng vai trò trung gian tiếp nhận và gửi hồ sơ đơn của người nộp đơn Việt Nam tới Văn phòng quốc tế.
Tổng kết lại hội nghị, các đại biểu tham dự đều nhận thức rõ ràng rằng việc Việt Nam gia nhập Hệ thống La Hay đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp đơn trong nước và quốc tế trong việc đăng ký bảo hộ KDCN. Chắc chắn rằng, ngay trong thời gian tới khi Thỏa ước chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, số lượng KDCN đăng ký bảo hộ tại nước ngoài của người nộp đơn Việt Nam cũng như số lượng KDCN của người nộp đơn nước ngoài đăng ký bảo hộ tại Việt Nam sẽ gia tăng. Các đại biểu tham dự hội nghị đều mong muốn trong tương lai Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị tương tự nhằm giúp người nộp đơn nắm rõ hơn về Hệ thống La Hay, từ đó có thể tận dụng tối đa các tính năng ưu việt của Hệ thống./.
Theo: CSHTT