Đây là một vấn đề không mới. Ở nhiều quốc gia, về nguyên tắc các dạng 3 chiều của sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm có thể được bảo hộ như là nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp, miễn là đáp ứng các yêu cầu bảo hộ của từng phương thức.
Ở Việt Nam Điều 72 của Luật sở hữu trí tuệ (2005) đã quy định “ dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ, kể cả hình 3 chiều hoặc sự kết hợp yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc” có thể được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thẩm định và bảo hộ nhãn hiệu ba chiều ở nước ta hiện nay còn có nhiều vướng mắc, ở cả các quy định và thực hành.
Buổi tọa đàm đã có gần 70 đại biểu tham dự, chủ yếu từ các đơn vị chức năng về nhãn hiệu của Cục SHTT và một số luật sư, người đại diện sở hữu công nghiệp của các công ty luật/tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.
Các ý kiến trao đổi tại buổi tọa đàm tập trung vào một số vấn đề như dấu hiệu thế nào được coi là nhãn hiệu ba chiều; đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu ba chiều, sử dụng dấu hiệu ba chiều với chức năng của một nhãn hiệu; liệu một hình dáng thông thường trong lĩnh vực có liên quan nhưng có gắn thành phần phân biệt dưới dạng một nhãn hiệu hai chiều thì có được coi là một nhãn hiệu ba chiều hay không và nếu có thì phạm vi bảo hộ của dấu hiệu này sẽ thế nào. Buổi tọa đàm cũng cho thấy còn có khác biệt về nhận thức giữa những người hành nghề trong lĩnh vực nhãn hiệu, vì vậy cần có các hướng dẫn cụ thể về thẩm định nhãn hiệu ba chiều để nâng cao hiệu quả việc đăng ký và bảo hộ đối tượng này./.
NGUỒN noip.gov.vn