(KDPT) – Sau gần một thập kỷ với nhiều nỗ lực của Việt Nam và Liên minh Châu Âu, hiệp định EVFTA chính thức được thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020. Thực thi hiệp định EVFTA mở ra rất nhiều cơ hội giao thương, đầu tư, thương mại … tăng cường quá trình lưu thông hàng hóa, dịch vụ giữa các nền kinh tế.Tuy nhiên bên cạnh mặt thuận lợi, những xâm phạm, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ gia tăng.
Nguồn: kinhdoanhvaphattrien.vn; phapluatxahoi.vn; suckhoemoitruong.com.vn; vanhoadoanhnghiepvn.vn
Do đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Liên minh Châu Âu và Việt Nam cần lưu ý bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh được thông suốt cũng như tránh được những tranh chấp, kiện tụng kéo dài.
Việc tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu “FOREST” giữa Công ty TNHH Nội thất Trang Ngọc và Công ty Forest Group (Nederland) B.V vừa qua là một ví dụ cần rút kinh nghiệm.
Forest Group (Nederland) B.V. là công ty chuyên sản xuất rèm cửa tự động và các phụ kiện đi kèm như thanh treo, thanh ray, con lăn, móc rèm…được thành lập năm 1989 tại Hà Lan. Trải qua hơn 30 năm hoạt động và phát triển, các sản phẩm gắn nhãn hiệu “FOREST” của Forest Group (Nederland) B.V. đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Việt Nam, Forest Group (Nederland) B.V. đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2011 thông qua các kênh bán hàng là các nhà phân phối độc quyền như Công ty Cổ phần Thương mại Hà My, địa chỉ: Số 52 ngõ Huyện, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu IBC Việt Nam, địa chỉ: số 15 phố Mạc Thị Bưởi, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và Công ty TNHH Một thành viên Màn Việt, địa chỉ: đường Phạm Văn Thuận, phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Phải xử lý nghiêm hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Forest Group (Nederland) B.V. cũng đã nộp đơn đăng ký quốc tế số 983329 cho nhãn hiệu “FOREST DRAPERY HARDWARE” từ năm 2008 được chỉ định tại một số nước như Úc, Singapore và Mỹ. Tên thương mại của Forest Group (Nederland) B.V. đã được sử dụng tại Việt Nam thông qua hoạt động giao dịch với các nhà phân phối độc quyền nêu trên.
Ngày 10/10/2016, Bà Trần Thị Thanh tại xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “FOREST” cho các sản phẩm thiết bị kéo rèm cửa bằng điện, mành che cửa sổ bên trong nhà, móc rèm, con lăn treo rèm của mình và đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu số 309441 ngày 28/11/2018. Sau đó, Bà Thanh đã chuyển nhượng nhãn hiệu này sang cho Công ty TNHH Nội thất Trang Ngọc.
Có thể thấy rằng nhãn hiệu “FOREST” theo giấy chứng nhận nhãn hiệu số 309441 không chỉ trùng lặp với nhãn hiệu “FOREST” của Forest Group (Nederland) B.V. đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi mà còn trùng lặp hoàn toàn với phần tên chính “FOREST” có tính phân biệt trong tên thương mại của Forest Group (Nederland) B.V đang được sử dụng hợp pháp cho cùng loại hàng hóa.
Về việc bảo hộ đối với tên thương mại, theo các chuyên gia, Việt Nam là thành viên của Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu công nghiệp, theo quy định tại Điều 8 Công ước Paris: “Tên thương mại được bảo hộ ở tất cả các nước thành viên của Liên minh mà không bị bắt buộc phải nộp đơn hoặc đăng ký, bất kể tên thương mại đó có hay không là một phần của một nhãn hiệu hàng hóa”. Do vậy, theo quy định này, tên thương mại Forest Group của công ty Forest Group (Nederland) B.V. hoàn toàn mặc định được bảo hộ tại Việt Nam.
Về việc bảo hộ đối với nhãn hiệu, theo quy định tại Điều 96.1(b) Luật Sở hữu Trí tuệ: “Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ hiệu lực trong trường hợp đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp Văn bằng bảo hộ.” Điều 74.2(k) Luật Sở hữu Trí tuệ: “một dấu hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt khi dấu hiệu đó trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ”. Do vậy, nhãn hiệu “FOREST” không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp Văn bằng bảo hộ.
Có thể thấy, việc sao chép đăng ký nhãn hiệu “FOREST” đối với cùng loại sản phẩm mà công ty Forest Group (Nederland) B.V. đang kinh doanh là hành vi “không lành mạnh”, mang tính lợi dụng, gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc mua sản phẩm chính hãng. Đây thực sự là vấn đề mà các doanh nghiệp nước ngoài khi mở rộng thị trường cần lưu ý trong chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Trong vụ việc này, Forest Group (Nederland) B.V. đã liên hệ với Công ty Luật TNHH WINCO (WINCO LAW FIRM) là Công ty Luật có bề dày kinh nghiệm về Sở hữu Trí tuệ, đã giải quyết hàng trăm vụ khiếu nại bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ bị xâm phạm và được khách hàng đánh giá là một công ty luật uy tín hàng đầu.
WINCO đã tiếp nhận vụ việc, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu từ Forest Group (Nederland) B.V. và tiến hành nộp đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 309441. Đồng thời, WINCO đã gửi văn bản cho các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam áp dụng các biện pháp pháp luật tuân theo pháp luật Việt Nam và Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo vệ cho chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp đích thực là Forest Group (Nederland) B.V. cùng với đó WINCO đang hoàn thiện hồ sơ xử lý về hành vi lạm dụng quyền Sở hữu Trí tuệ một cách bất hợp pháp, ngăn cản quá trình hoạt động kinh doanh của chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ chân chính.
Để phát triển kinh tế đất nước, Đảng và Nhà nước có chủ trương thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Do đó, các vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, và các lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư nước ngoài cần phải được bảo đảm, trong đó cũng đặt ra yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam sẽ phải xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, kinh doanh và tin tưởng vào chính sách, pháp luật của Việt Nam.