Một cô giáo ở tỉnh Kiên Giang đã sáng chế ra máy sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời cho sản lượng tăng gấp 2 lần, rút ngắn 1/3 thời gian phơi so với phơi dưới nắng theo kiểu truyền thống.
Cô giáo đó là chị Chu Thị Thu Thảo (34 tuổi), giáo viên môn vật lý Trường Trung học phổ thông Cây Dương, xã Tân Thành (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang). Với niềm đam mê sáng chế, chị đã mày mò nghiên cứu, chế tạo thành công máy sấy nông sản tự động, sử dụng năng lượng mặt trời.
Chị Thảo nhận thấy thông thường, các cơ sở, hộ cá thể chế biến khô cá hoặc phơi chuối chín đều tận dụng nắng tự nhiên để phơi. Cách làm này dẫn đến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do ruồi nhặn, chim chóc hoặc côn trùng, bụi trong không khí bám vào trong quá trình phơi. Đặc biệt, những ngày nắng yếu, gián đoạn sẽ làm kéo dài thời gian phơi, sản phẩm dễ bị ẩm mốc và giảm chất lượng.
Vì vậy chị đã cho ra đời chiếc máy gồm 2 bộ phận bộ thu nhiệt và buồng sấy. Bộ thu nhiệt gồm khung sắt, ống lấy nhiệt, tấm kiếng trong suốt; buồng sấy gồm 2 tủ sấy, khay sấy, bộ phận thu nước, đồng hồ đo nhiệt độ.
Máy sấy nông sản hoạt động theo nguyên lý: Ánh sáng mặt trời khi xuyên qua mặt kính trong suốt của buồng thu năng lượng, gặp vật đen ở bên trong buồng thu – một dạng bẫy nhiệt sẽ khiến vật đen nóng lên, làm bức xạ ra các tia hồng ngoại.
Do hiệu ứng nhà kính, các tia này có năng lượng yếu nên không xuyên được qua kính để thoát ra ngoài mà bị giam giữ trong buồng thu năng lượng.
Sự xuất hiện của các tia này làm cho không khí nóng lên, giãn nở và bay lên trên đi vào buồng sấy, xuyên qua khay lưới chứa vật cần sấy, làm bốc hơi và mang hơi ẩm thoát ra ngoài.
Sự đối lưu của dòng khí khiến cho luồng không khí mới từ bên ngoài đi vào buồng thu năng lượng và tiếp tục bị hun nóng do tiếp xúc với tấm thu năng lượng.
Máy sấy sử dụng năng lượng mặt trời đã được chị Thảo sử dụng trong gia đình và cho kết quả bước đầu rất khả quan.
“Về hiệu quả, máy hoạt động tốt, luôn có sự chênh lệch nhiệt độ ở ngoài trời với nhiệt độ trong buồng sấy từ 10-28 độ C. Buồng sấy chứa 5kg khối lượng nông sản, nhiệt độ buồng sấy đạt được 65 độ C nếu nhiệt độ ngoài trời là 37 độ C. Nông sản được sấy khô 60% sau 10 giờ chiếu sáng. Máy có giá thành tương đối thấp, chỉ 800 ngàn đồng/máy, không gây độc hại và an toàn cho người sử dụng, sử dụng nguồn năng lượng sạch và thân thiện với môi trường” chị Thảo chia sẻ.
Trước đó thầy giáo Lê Thanh Liêm, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (tỉnh Hậu Giang) cũng được nhiều người biết đến khi cho ra đời hàng loạt các thiết bị hữu ích, phục vụ cho ngành giáo dục.
Theo thầy Liêm, đối với những môn học thiếu trang thiết bị, giáo viên thường phải “dạy chay”, trong khi nhiều môn học cần dùng phương pháp trực quan, học sinh cần được thực hành, thí nghiệm, quan sát mô hình mới mang lại hiệu quả (như Hóa học, Sinh học…)… Do chỉ “học chay”, học sinh khó tiếp cận kiến thức mới, dẫn đến chất lượng dạy và học không đạt hiệu quả cao.
Xuất pháp từ những trăn trở này, cộng với những vấn đề còn bất cập trong quá trình dạy thực hành cho học sinh trong trường, thầy Lê Thanh Liêm đã nung nấu ý định ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ về công nghệ cảm biến vào các thiết bị đồ dùng có sẵn, cải tiến thêm, đồng thời chế tạo thêm các thiết bị mới để phù hợp với xu thế đổi mới.
Nghĩ là làm, bằng tâm huyết với nghề và đặc biệt là với các em học sinh, thầy Lê Thanh Liêm đã tập trung nghiên cứu, tìm hiểu cách thức cải tiến thiết bị. Dù là thầy giáo giỏi, kiến thức vững nhưng thời gian đầu, thầy đã gặp không ít khó khăn khi sản phẩm làm ra chưa phù hợp, phải cải tiến nhiều hơn nữa. Chi phí hỗ trợ không nhiều, thậm chí không có, nhiều lúc thầy tự bỏ tiền mua thiết bị thử nghiệm. Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng thầy không nản trí, giữ vững tâm huyết nghiên cứu, xây dựng công trình “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn Vật lý”, cho ra đời nhiều thiết bị chất lượng.
Công trình nghiên cứu của thầy Lê Thanh Liêm được đánh giá cao bởi tính sáng tạo, thực tế, giúp các giáo viên tự ứng dụng công nghệ tạo ra những bộ đồ dùng phù hợp với mỗi môn học, từng vùng miền khác nhau. Việc làm này cũng thể hiện xu hướng mở trong thiết kế đồ dùng học tập, tạo môi trường, cảm hứng cho giáo viên và học sinh luôn tư duy, sáng tạo để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, phù hợp với môn học.
Minh Thư