Tình trạng vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ trên các nền tảng xuyên biên giới vẫn đang là vấn nạn khiến các cơ quan chức năng ‘đau đầu’ nhưng đến hiện nay vẫn chưa tìm ra ‘tường lửa’ để chống lại các hành vi xâm phạm.
Từ ngày 15/9, cơ quan chức năng yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google không được đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật. Quy định này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu đáng kể vấn nạn vi phạm bản quyền và tuyên truyền các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Ngoài ra, Bộ TT&TT đề xuất bổ sung thêm một trách nhiệm của mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam như: Phải có bộ phận chuyên trách tiếp nhận/giải quyết khiếu nại từ người sử dụng. Tạm khóa/xóa các nội dung (trong vòng 24 giờ) khiếu nại chính đáng từ cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu. Tuân thủ quy định về bản quyền với báo chí khi đăng, phát những tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí Việt Nam.
Theo báo cáo xu hướng marketing số Việt Nam năm 2021 cho thấy, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 đạt 820 triệu USD. Dự báo trong năm 2021, mức doanh thu này sẽ đạt khoảng 955 triệu USD. Hiện nay có đến 80% “miếng bánh” doanh thu rơi vào các nền tảng xuyên biên giới như: Google, Facebook..
Đây là “miếng bánh” béo bở nhưng lại chưa thực sự được quan tâm đúng mực về vấn đề bản quyền và bảo vệ người dùng khỏi tin độc hại, tin chống phá, sai sự thật. Trên thực tế, các nội dung vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ vẫn tồn tại tràn lan trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube hay Tiktok,…
Mặc dù các nền tảng xuyên biên giới cũng có cơ chế bảo vệ bản quyền bằng Content ID. Các video được đăng tải lên những hệ thống này sẽ được gắn mã xác minh quyền sở hữu. Dù vậy, nhiều nội dung chưa được chủ sở hữu thực sự đăng tải lên mạng xã hội thì đã bị “ăn cắp” trước.
Theo anh Lê Văn Đại – chủ một fanpage hơn 60.000 lượt theo dõi – cho biết: “Có thể các nền tảng lặng lẽ cho qua vấn đề bản quyền, để người dùng thoải mái re-up (đăng tải lại) nhằm làm giàu hơn kho nội dung. Họ cũng hưởng lợi được từ việc này khi giữ chân được người dùng trên nền tảng của mình”.
Điều đáng nói, câu chuyện vi phạm bản quyền đã không còn manh mún, nhỏ lẻ mà đã được làm một cách có hệ thống, có tổ chức. Ngay từ năm 2019, một nhóm nhà sản xuất nội dung đã lên tiếng tố cáo một tài khoản có tên D.T.D thường xuyên đi “nhận vơ” bản quyền và trục lợi từ nội dung của họ.
Cụ thể, sau khi nhắm được một số video sẽ có lượng xem cao, D.T.D đã nhanh chân re-up lại hàng loạt trên trang của mình. Rồi cứ vào thời điểm Facebook thanh toán tiền quảng cáo cho nhà sáng tạo nội dung, D.T.D lại báo cáo mình bị vi phạm bản quyền. Hệ thống kiểm duyệt lỏng lẻo đã không có phán xử công bằng khi cho rằng D.T.D là chủ sở hữu thực sự và người này đã kiếm được rất nhiều tiền từ hoạt động re-up trái phép.
Có thể thấy, sự rối loạn trong bảo vệ bản quyền, kiểm soát nội dung không thể được tiếp tục và cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu các nền tảng phải có thông tin, đầu mối liên hệ để giải quyết các bất cập. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền và nghĩa vụ được quy định Luật Quảng cáo và cần thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông những nội dung sau: Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam…
Minh Hà