Ngày 07/12/2021 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam trên môi trường số và Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam. Ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã phát biểu tham luận với chủ đề “Bảo hộ dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc – Tầm nhìn chiến lược cho nông sản, thực phẩm Việt Nam”.
Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo) là một sự kiện do Bộ Công Thương tổ chức thường niên được tổ chức từ 2015 với mục tiêu tạo ra diễn đàn tin cậy cho hoạt động tìm hiểu, giao thương của các nhà nhập khẩu quốc tế uy tín, các nhà phân phối hàng đầu Việt Nam cũng như trên thế giới trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và công nghệ chế biến.
Trong bài phát biểu khai mạc Triển lãm và các chuỗi sự kiện kèm theo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh rằng trong năm nay, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đã và đang đối diện với những khó khăn và thách thức vô cùng lớn do tác động của đại dịch COVID-19. Chuỗi cung ứng – tiêu thụ bị đứt gãy gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh nông sản và thực phẩm chế biến trên thị trường. Với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan triển khai hàng loạt chương trình chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại, đồng thời thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng số trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.
Triển lãm Vietnam Foodexpo 2021 với quy mô 300 gian hàng thực tế ảo của 20 tỉnh, thành trên cả nước, bao gồm đông đảo các doanh nghiệp, thương hiệu lớn trong linh vực thực phẩm chế biến, nông sản và thủy sản của cả Việt Nam và quốc tế. Các gian hàng được thể hiện dưới sự kết hợp của công nghệ 2D, 3D/VR360 giúp cho việc hiển thị hình ảnh, tư liệu trưng bày sinh động và trực quan nhất có thể.
Lễ khai mạc Vietnam Foodexpo 2021
Chiều ngày 07/12/2021, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam (Vietnam FoodForum 2021). Hội nghị là cơ hội đối thoại giữa các doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hỗ trợ và các chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm Việt Nam và thế giới. Chủ đề của năm nay là “Nông sản, thực phẩm: Thích ứng – Chuyển đổi – Tăng tốc” nên nội dung của Hội nghị tập trung chủ yếu vào những giải pháp giúp doanh nghiệp ngành thực phẩm “chuyển đổi” nhằm đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, xu hướng trên thị trường thế giới trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để bảo hộ, nâng cao giá trị và lợi thế cạnh tranh nhằm khai thác yếu tố đặc thù, văn hóa bản địa là một trong những giải pháp hiệu quả mà các quốc gia, doanh nghiệp đã và đang áp dụng cho các sản nông sản, thực phẩm. Những hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể kể đến như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, tùy thuộc vào danh tiếng, tính đặc hữu của từng loại sản phẩm cũng như nhu cầu kiểm soát nguồn gốc, phát triển thị trường của các địa phương.
Tính đến hết tháng 11/2021, Việt Nam đã cấp văn bằng bảo hộ cho 113 chỉ dẫn địa lý, 541 nhãn hiệu chứng nhận và 1.548 nhãn hiệu tập thể, nhiều sản phẩm nông nghiệp sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng đã tăng giá trị và được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn như vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang, nước mắm Phú Quốc, cam Cao Phòng Hòa Bình. Vào ngày 19/11/2021 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia. Sự kiện này có thể được xem là công cụ để quảng bá và quản lý các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đang xúc tiến các thủ tục để đăng ký bảo hộ ở trong và ngoài nước và xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia.
Đề cập đến các khuyến nghị cho các địa phương và doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng đăng ký xác lập quyền luôn là vấn đề tiên quyết, tạo dựng cơ sở pháp lý, tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả là hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển sản phẩm sau khi được bảo hộ. Các địa phương, doanh nghiệp, chủ thể quyền cần kiểm soát, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, có các giải pháp quảng bá, phát triển thị trường và gìn giữ uy tín, chất lượng của các sản phẩm bảo hộ.
THEO CỤC SHTT