Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản, Viện Thúc đẩy Sáng chế và Sáng kiến Nhật Bản phối hợp tổ chức Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử” vào ngày 22/11/2024, tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản, nhiều hoạt động hợp tác đã được hai bên phối hợp triển khai trong các năm qua. Bên cạnh các hoạt động dành riêng cho cơ quan sở hữu trí tuệ (SHTT), các hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của công chúng cũng như các chủ thể khác trong xã hội, với nhiều chủ đề đa dạng trong lĩnh vực SHTT luôn được hai Cơ quan ưu tiên tổ chức. Ngày 22/11/2024 tại Hà Nội, Cục SHTT và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) cùng với Viện Thúc đẩy Sáng chế và Sáng kiến Nhật Bản (JIII) tổ chức hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”. Đây là Hội thảo lần thứ 9 kể từ năm 2005, Cục SHTT phối hợp với JPO và JIII tổ chức định kỳ 02 năm một lần tại Việt Nam. Đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc tổ chức từ năm 2019 và việc khôi phục tổ chức Hội thảo năm nay là nỗ lực của hai phía Việt Nam và Nhật Bản.
Tham dự Hội thảo có ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT; bà YOSHINO Sachiyo, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế JPO; các chuyên gia, diễn giả đến từ JPO, APIC/JIII, JETRO Băng Cốc, JICA. Hội thảo cũng có sự tham gia của các diễn giả đến từ Cục SHTT Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương, Công ty Luật TNHH IPMAX, cùng hơn 100 đại biểu từ các cơ quan quản lý, thực thi quyền SHTT, trường đại học và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh về xu thế phát triển của thương mại điện tử trong bối cảnh phát triển nền kinh tế đổi mới sáng tạo toàn cầu hiện nay. Trong đó, các vấn đề về SHTT, cụ thể hơn là nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng, là một trong các yếu tố tạo nên sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Quyền SHTT đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, đồng thời đây là loại tài sản có giá trị cao được tích hợp vào sản phẩm, dịch vụ lưu thông trong các giao dịch thương mại điện tử. Tuy vậy, do các đặc trưng của thương mại điện tử nên việc bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT trong thương mại điện tử khó khăn hơn rất nhiều so với thương mại truyền thống, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Thách thức này đặt ra với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bà YOSHINO Sachiyo, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế JPO trong phần khai mạc Hội thảo cũng chia sẻ chủ đề của Hội thảo này có ý nghĩa quan trọng với các cơ quan liên quan của cả hai bên. Thương mại điện tử những năm gần đây phát triển nhanh chóng ở Nhật Bản và tình trạng hàng giả mạo, xâm phạm quyền SHTT trong các giao dịch này cũng ngày càng tăng. Nhật Bản đã nỗ lực trong hoàn thiện các luật có liên quan như Luật Nhãn hiệu, Luật Kiểu dáng công nghiệp, Luật Thuế, Luật Hải quan… và thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm đưa ra các chế tài quy trách nhiệm cụ thể đối với các hành vi vi phạm này. Nhật Bản cũng rất quan tâm đến các vấn đề lập pháp và thực thi pháp luật về thương mại điện tử, SHTT ở Việt Nam.
Các diễn giả của Nhật Bản và Việt Nam tập trung trình bày các nội dung hướng đến giải quyết các thách thức mới nổi trong lĩnh vực SHTT liên quan đến thương mại điện tử, cụ thể là thực tiễn hoạt động bảo hộ, bảo vệ và quản lý quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam và Nhật Bản. Các chủ đề Hội thảo bao gồm: Thực tiễn hoạt động quản lý và thực thi quyền đối với nhãn hiệu của Nhật Bản hiện nay; Những nỗ lực của Nhật Bản trong thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng TMĐT; Quy định pháp luật và thực tiễn về kiểm soát và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện ở Việt Nam; Những khó khăn, thách thức trong thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam.
Đại biểu tham dự Hội thảo, đặc biệt là đại diện các sàn thương mại điện tử và đại diện các cơ quan thực thi đã trao đổi, đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và bảo vệ tốt hơn quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân nói chung, quyền đối với nhãn hiệu nói riêng trên nền tảng thương mại số quan trọng này. Đây cũng là các giải pháp cần thực hiện tốt để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Các diễn giả cũng như các đại biểu đánh giá cao nội dung, thông tin chia sẻ tại Hội thảo và mong muốn Cục SHTT và các cơ quan liên quan tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài để có thể bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền SHTT tại Việt Nam, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển bền vững./.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
Ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh BTC)
Bà YOSHINO Sachiyo – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh BTC)
Đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh BTC)
Nguồn https://www.ipvietnam.gov.vn/