Mới đây, nữ doanh nhân Katrina Parrott đã kiện Apple ra tòa và cáo buộc Táo khuyết đã lấy cắp công nghệ tạo biểu tượng cảm xúc và yêu cầu nhà sản xuất điện thoại iPhone ngừng sử dụng công nghệ của cô và bồi thường.
Được biết, Katrina Parrott là một nữ doanh nhân người Mỹ gốc Phi. Theo đơn tố cáo, cô từng đăng kí bản quyền đối với phương pháp cho phép người dùng chọn 5 màu da để tạo màu cho các biểu tượng cảm xúc trên App Store vào năm 2013 và kho nhạc iTunes vào năm 2014.
Vào năm 2014, Katrina đã đề nghị hợp tác với Apple để phát triển bộ biểu tượng cảm xúc. Cô đã gặp và liên lạc nhiều lần với hai kĩ sư phần mềm của Apple, để họ tiếp cận khá sâu với công nghệ của cô, theo Bloomberg.
Hồi tháng 4/2015, Apple công bố bảng màu để tạo biểu tượng cảm xúc của riêng họ, rồi loại bộ biểu tượng cảm xúc của Katrina ra khỏi App Store.
Trong đơn kiện mà Katrina nộp lên tòa án liên bang ở thành phố Waco, bang Texas, cô cáo buộc Apple xâm phạm bản quyền và hình ảnh thương mại tổng thể của cô, chiếm đoạt ý tưởng và công nghệ của cô, cạnh tranh không lành mạnh.
Nguyên đơn đề nghị tòa án cấm Apple sử dụng thành tựu của cô, đồng thời yêu cầu Apple bồi thường tiền dựa trên lợi nhuận và cơ hội kinh doanh đã mất do hành vi xâm phạm bản quyền.
Trước đó, một bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại trường đại học New York cũng đã đâm đơn kiện Apple vì tính năng đo nhịp tim được tích hợp trên các thiết bị Apple Watch hiện nay đang vi phạm bằng sáng chế về công nghệ đo độ rung tâm nhĩ đã được cấp bằng bảo hộ vào năm 2006 của ông.
Theo trang 9to5mac, bác sĩ Wiesel đã được cấp bằng sáng chế vào tháng 3/2006, công nhận về phương pháp và cách thức phát hiện độ rung tâm nhĩ và tuyên bố rằng nghiên cứu của ông chính là bước đi tiên phong cho cách thức đo nhịp tim.
Vào tháng 9/2017, ông ta đã liên hệ với trụ sở chính của Apple ở Cupertino (California, Mỹ) để đề cập đến việc họ vi phạm bằng sáng chế. Apple từ chối đàm phán trong thiện chí nên ông đã đâm đơn kiện. Vụ việc trong nhiều năm qua vẫn nhận được nhiều sự chú ý từ giới công nghệ nhưng vẫn chưa thể đi đến hồi kết, nhưng lần này tình hình có thể khác vì rõ ràng Wiesel đã có bằng sáng chế và là nhà phát minh ra công nghệ này.
Luật Winco
tổng hợp từ Internet