Bản tin Pháp luật tháng 10 của chúng tôi gồm có những nội dung chính như sau:
- Một số điều mới đáng lưu ý trong Luật Doanh nghiệp năm 2020.
- Những quy định mới trong Luật Đầu tư 2020.
- Một số điều mới đáng lưu ý trong Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã được Quốc Hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Dưới đây là những điểm thay đổi quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật Doanh nghiệp hiện hành:
- Thêm đối tượng không được thành lập doanh nghiệp
Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, gồm:
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);
– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
- Bổ sung quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 hướng dẫn thêm trường hợp Công ty có 2 người đại diện theo pháp luật trở lên mà Điều lệ không quy định rõ trách nhiệm của từng người thì mỗi người đều có quyền đại diện cho công ty trước bên thứ ba.
- Bổ sung trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thêm trách nhiệm của Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác khi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 165 chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba.
- Bổ sung quy định mới chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
Khoản 6, 7 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định thêm về khái niệm “chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết”. Theo đó, cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.
Chính phủ quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
- Bổ sung quy định về việc chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân
Nếu Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH, thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã mở rộng quy định này, cho phép DNTN có thể chuyển đổi thành một trong các loại hình công ty TNHH, công ty CP hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 205.
- Bổ sung quy định về các loại hình công ty được phép phát hành trái phiếu
Nếu Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định cho phép Công ty CP phát hành trái phiếu thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã mở rộng thêm đối tượng có quyền phát hành trái phiếu gồm có: Công ty TNHH MTV và Công ty TNHH hai thành viên trở lên (theo quy định tại khoản 4 Điều 46 và khoản 4 Điều 74).
- Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng
Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định về việc Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải về việc thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng.
Theo đó, doanh nghiệp không phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trước khi sử dụng như quy định cũ.
- Bỏ quy định “Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp”
Hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp phải báo cáo Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có thay đổi thông tin của: Thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; Thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ quy định này.
- Rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ 2021
Khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 đã rút ngắn thời gian báo Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh từ 15 ngày xuống còn 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
- Quy định loại trừ trường hợp giải thể do bị thu hồi GCN đăng ký doanh nghiệp
Điểm d khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp bị thu hồi GCN đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.”
Quy định này bảo đảm tính đồng bộ với quy định của Luật Quản lý thuế.
- Thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước
Khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật này.
(Còn theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ)
- Sửa đổi quy định về quyền của cổ đông phổ thông
Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 bỏ quy định về thời hạn sở hữu cổ phần tối thiểu và giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần xuống 5% để thực hiện quyền của cổ đông thiểu số.
Cụ thể, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ ít nhất 5% số cổ phần phổ thông hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền đối với cổ đông phổ thông quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật này.
- Sửa đổi cơ cấu tổ chức quản lý của công ty TNHH một thành viên
Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Công ty TNHH một thành viên do tổ chức sở hữu tổ chức hoạt động theo một trong hai mô hình: (i) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; (ii) Hội đồng thanh viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Như vậy, công ty TNHH một thành viên do tổ chức sở hữu sẽ không còn bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên.
- Những quy định mới trong Luật Đầu tư 2020.
Cùng với Luật Doanh nghiệp năm 2020, ngày 17 tháng 6 năm 2020 Quốc Hội cũng đã thông qua Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Dưới đây là những điểm mới đáng lưu ý:
- Bãi bỏ, bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và bổ sung ngành nghề ưu đãi đầu tư.
Luật mới đã bãi bỏ 24 ngành, nghề, bổ sung 08 ngành, nghề và sửa đổi 14 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, đến ngày 01/01/2021, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giảm còn 227 ngành nghề. Cùng với đó bổ sung thêm một số ngành nghề ưu đãi đầu tư như Giáo dục đại học; Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế; Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Theo Điều 9 của Luật mới còn quy định về Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề đó. Trong đó, đưa ra các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động đầu tư, năng lực của nhà đầu tư nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và là thành viên.
- Bổ sung các trường hợp không phải bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
Theo Khoản 1 Điều 43 Luật đầu tư năm 2020, nhà đầu tư không phải ký quỹ 01% đến 03% vốn đầu tư của dự án hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; (2) Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; (3) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; (4) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.
- Bổ sung quy định mới về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết
Điều 45 Luật đầu tư năm 2020 đã quy định thêm về giám định vốn đầu tư, trong trường hợp cần thiết để bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ hoặc để xác định căn cứ tính thuế, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thực hiện giám định độc lập giá trị vốn đầu tư, chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sau khi dự án đầu tư đưa vào khai thác, vận hành. Và trong trường hợp kết quả giám định dẫn đến làm tăng nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước thì nhà đầu tư phải chịu chi phí này. Như vậy, quy định mới này sẽ góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả doanh nghiệp trong nước.
- Sửa đổi thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Điều 31 Luật mới đã bãi bỏ quy định Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn từ 5.000 tỷ đồng trở lên, dự án sản xuất thuốc lá điếu, dự án xây dựng và kinh doanh sân gôn (được phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư). Đối với dự án vốn đầu tư nước ngoài, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh vận tải biển và thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài đã được bãi bỏ khỏi thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Luật mới còn bổ sung thêm dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ Tướng như Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt;
- Quy định mới về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của Nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đầu tư
Điều 23 Luật đầu tư năm 2020 đã điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ từ 51% xuống còn 50% trở lên trong tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư thep hình thức hợp đồng BBC. Tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
– Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
– Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.