Bộ luật dân sự năm 2015 – Bộ luật dân sự 2023 hiện đang áp dụng. Bộ luật dân sự 2015 quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, quan hệ pháp luật dân sự.
Bộ luật dân sự 2015 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 24-11-2015, gồm 27 chương, 689 điều và được quy định có hiệu lực áp dụng từ tháng 01 năm 2017.
Trong điều kiện hiện nay, khi bên cạnh Bộ luật dân sự đã và đang tồn tại ngày càng nhiều các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động đặc thù như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật hôn nhân và gia đình… Trong mối quan hệ với các luật chuyên ngành, Bộ luật dân sự đứng ở vị trí trung tâm với tư cách là luật gốc.
Bộ luật dân sự 2015 ra đời mang theo sự thay đổi nhận thức trong tư duy lập pháp, với phạm vi sửa đổi mang tính căn bản và toàn diện. Trong đó, có những điểm mới lần đầu được thừa nhận và quy định trong Bộ luật dân sự 2015 và có những điểm được quy định bổ sung, chi tiết hơn so vớ Bộ luật dân sự 2005.
* Những điểm mới trong Bộ luật dân sự 2015
a, Về phạm vi điều chỉnh
Bộ luật dân sự 2015 xác định rõ phạm vi chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Việc tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được thực hiện thông qua các thành viên hoặc thông qua người đại diện.
Điều 1 Bộ luật dân sự 2015 quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, làm rõ bản chất của quan hệ dân sự, không liệt kê cụ thể các loại quan hệ dân sự như Bộ luật dân sự 2005.
b, Việc mở rộng các loại nguồn
Từ Điều 4 đến Điều 6 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các loại nguồn theo thứ tự ưu tiên áp dụng: Áp dụng Bộ luật dân sự; áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật.
Đặc biệt, quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật dân sự năm 2015:
“Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ và lẽ công bằng”
lần đầu tiên ghi nhận một loại nguồn mới là án lệ. Khẳng định vị trí, vai trò của án lệ – một trong những nguồn luật mới được thừa nhận trong thời gian gần đây.
c, Về việc cho phép xác định lại giới tính
Trước khi Bộ luật dân sự sửa đổi được thông qua thì vấn đề xác định lại giới tính được quy định tại Nghị định 88/2008/NĐ-CP.
Điều 36 Bộ luật dân sự 2015 sửa đổi quy định Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo đó, hệ quả pháp lý do xác định lại giới tính được bổ sung như sau: Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật và luật khác có liên quan.
d, Ghi nhận việc chuyển đổi giới tính
Khoản 1 Điều 4 Nghị định 88/2008/NĐ-CP quy định nghiêm cấm việc chuyển đổi đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính.
Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2015 sửa đổi đã ghi nhận về quyền này. Theo đó, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, do Bộ luật dân sự 2015 quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật nên phải tới khi Quốc hội ban hành về luật chuyển đổi giới tính thì các cá nhân mới được thực hiện. Cụ thể, tới ngày 01/01/2017 Bộ luật dân sự 2015 mới có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, nếu đến thời điểm đó, Quốc hội vẫn chưa ban hành luật chuyển đổi giới tính thì quyền này của nhiều người vẫn bị “treo” để chờ luật và văn bản hướng dẫn mới có thể thực hiện được.
Khi ghi nhận quy định này, Bộ luật dân sự 2015 đã đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận công dân trong xã hội mà không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc và phù hợp với thông lệ quốc tế chung. Vấn đề xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính trong Bộ luật dân sự 2015 được xem là một bước tiến cởi mở, bắt kịp xu thế toàn cầu trong hoạt động lập pháp của Việt Nam và là một tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng người chuyển giới nói riêng và LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) nói chung tại Việt Nam trong quá trình đấu tranh để được xã hội và pháp luật công nhận. Theo đó, Nhà nước cần sớm có hướng dẫn để người được hưởng quyền cũng như các cơ quan, tổ chức liên quan dễ dàng áp dụng.
e, Việc quy định lãi suất theo thỏa thuận không quá 20%/năm
Điều 468 về Lãi suất quy định: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định nói trên tại thời điểm trả nợ.
f, Vấn đề thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Là một trong những điểm đáng lưu ý của Bộ luật dân sự 2015 và được quy định tại Điều 420.
Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án : Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bộ luật dân sự sửa đổi cũng chỉ ra 5 điều kiện cơ bản để chứng tỏ hoàn cảnh thay đổi để các bên làm căn cứ áp dụng quy định.
* Những quy định pháp luật được bổ sung, chi tiết trong Bộ luật dân sự 2015
a, Về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
Để bảo đảm thống nhất trong nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật dân sự, góp phần hình thành chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, Bộ luật dân sự 2015 quy định 8 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tạo hành lang pháp lý bảo đảm tất cả quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp và pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Cụ thể, cụm từ “các bên” thành “cá nhân, pháp nhân”. Đồng thời, nêu ngắn gọn, súc tích những nguyên tắc này:
Nguyên tắc bình đẳng
Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
(Cụm từ “bất kỳ lý do nào” đã bao hàm tất cả các lý do có thể có, bao gồm: dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp…)
Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận
Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận.
Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
(Trước đây, mọi cam kết, thỏa thuận này có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên. Nguyên tắc này đã bao hàm ý nghĩa của nguyên tắc tôn trọng pháp luật trước đây tại Bộ luật dân sự 2015).
Nguyên tắc thiện chí, trung thực
Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác
Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự
Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Bãi bỏ quy định “Nếu không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ dân sự thì có thể bị cưỡng chế thực hiện theo quy định pháp luật”.
Đồng thời, 02 nguyên tắc sau đây được chuyển thành chính sách Nhà nước đối với quan hệ dân sự:
Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp
Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Nguyên tắc hòa giải
Trong quan hệ dân sự, việc hoà giải giữa các bên phù hợp với quy định pháp luật được khuyến khích.
(Điều 3 và Điều 7 Bộ luật dân sự 2015).
b, Bộ luật dân sự khẳng định quyền dân sự phải được tôn trọng, bảo vệ
Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng như trước đây, Điêu 2 Bộ luật dân sự 2015 nhấn mạnh khẳng định:
“Ở nước CHXHCNVN, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”
Đồng thời, quy định rõ trường hợp hạn chế quyền dân sự:
“Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
c, Quy định cụ thể Tập quán quốc tế và việc áp dụng tập quán quốc tế, áp dụng tương tự pháp luật.
Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể tập quán là gì: Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
Đồng thời, hướng dẫn áp dụng tập quán: Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự đã nêu trên.
Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật đã nêu trên thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng (Điều 6 Bộ luật dân sự 2015).
d, Về giám hộ
So với Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể hơn về người giám hộ.
Việc giám hộ không chỉ được thực hiện bởi cá nhân: “Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.” (Điều 48 Bộ luật dân sự 2015)
Theo đó, Điều 50 Bộ luật dân sự 2015 quy định Pháp nhân có đủ các điều kiện sau có thể làm người giám hộ:
– Có NLPL dân sự phù hợp với việc giám hộ.
– Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
e, Bổ sung quy định về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân.
Bộ luật dân sự 2015 bổ sung quy định về: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi Điều 23). Do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
TÓM TẮT BỘ LUẬT DÂN SỰ 2023 MỚI NHẤT ĐANG ĐƯỢC ÁP DỤNG:
BỘ LUẬT DÂN SỰ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Bộ luật dân sự.
PHẦN THỨ NHẤT
QUY ĐỊNH CHUNG
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).
Điều 2. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự
- Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
- Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
- Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
- Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
- Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Điều 4. Áp dụng Bộ luật dân sự
- Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.
- Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
- Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.
- Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.Điều 5. Áp dụng tập quán
- Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
- Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này
Điều 6. Áp dụng tương tự pháp luật
- Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
- Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.
Điều 7. Chính sách của Nhà nước đối với quan hệ dân sự
- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
- Trong quan hệ dân sự, việc hoà giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích.
Chương II
XÁC LẬP, THỰC HIỆN VÀ BẢO VỆ QUYỀN DÂN SỰ
Điều 8. Căn cứ xác lập quyền dân sự
Quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ sau đây:
- Hợp đồng;
- Hành vi pháp lý đơn phương;
- Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật;
- Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
- Chiếm hữu tài sản;
- Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;
- Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật;
- Thực hiện công việc không có uỷ quyền;
- Căn cứ khác do pháp luật quy định
Điều 9. Thực hiện quyền dân sự
- Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, không được trái với quy định tại Điều 3 và Điều 10 của Bộ luật này.
- Việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Điều 10. Giới hạn việc thực hiện quyền dân sự
- Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật.
- Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.
Điều 11. Các phương thức bảo vệ quyền dân sự
Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:
Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình;
Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
Buộc thực hiện nghĩa vụ;
Buộc bồi thường thiệt hại;
Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền;
Yêu cầu khác theo quy định của luật.
Điều 12. Tự bảo vệ quyền dân sự
Việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
Điều 13. Bồi thường thiệt hại
Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Điều 14. Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền
Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.
Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài.
Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.
Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng.
Điều 15. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền
Khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Trường hợp quyết định cá biệt bị hủy thì quyền dân sự bị xâm phạm được khôi phục và có thể được bảo vệ bằng các phương thức quy định tại Điều 11 của Bộ luật này.