Tra cứu khả năng bảo hộ
Hình thức tra cứu này được thực hiện trước khi doanh nghiệp nộp đơn đăng ký KDCN, nhằm đánh giá liệu một KDCN có khả năng được cấp bằng bảo hộ hay không.
Phạm vi tra cứu đối với hình thức tra cứu khả năng bảo hộ bao gồm tất cả các thông tin đã được bộc lộ công khai trên toàn thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký cho KDCN cần tra cứu, để xác định xem liệu KDCN này có giống hoặc khác biệt đáng kể với KDCN nào đã biết hay không.
Tra cứu khả năng bảo hộ KDCN thường được thực hiện trong quá trình chuẩn bị nộp đơn đăng ký KDCN. Việc tra cứu giúp doanh nghiệp quyết định liệu có nên tiếp tục việc nộp đơn đăng ký KDCN không, hay nên sáng tạo và phát triển một KDCN mới, khác biệt với các KDCN đã được bộc lộ và đăng ký trước đó.
Tra cứu khả năng thương mại tránh xâm phạm quyền
Hình thức tra cứu này thường được thực hiện để xác định xem liệu việc đưa một sản phẩm ra thị trường của một nước cụ thể có xâm phạm KDCN nào vẫn còn hiệu lực ở nước đó hay không.
Đối với hình thức tra cứu này, phạm vi tra cứu chỉ bao gồm các KDCN đã được cấp bằng bảo hộ và vẫn còn hiệu lực, cũng như các đơn KDCN đã được công bố và đang trong giai đoạn thẩm định nội dung, tính đến thời điểm tra cứu, ở một quốc gia cụ thể mà hoạt động thương mại hoá đang hướng tới.
Do đó, doanh nghiệp nên tiến hành tra cứu theo hình thức này ở giai đoạn bắt đầu xây dựng kế hoạch đưa sản phẩm mang KDCN của mình ra thị trường của một quốc gia cụ thể, để xác định các KDCN có liên quan đang được bảo hộ và tránh việc xâm HY các KDCN này.
Tra cứu nhằm mục đích nghiên cứu và phát triển
Hình thức tra cứu này thường được các doanh nghiệp thực hiện trong quá trình nghiên cứu và phát triển KDCN và sản phẩm mang KDCN mới.
Doanh nghiệp có thể tiến hành tra cứu theo tên KDCN, tên sản phẩm mang KDCN, phân loại sản phẩm, tên chủ sở hữu, tên tác giả để xác định các KDCN đã được sử dụng trước đó, xu hướng sáng tạo và thiết kế hình dáng bên ngoài của sản phẩm, qua đó xây dựng phương án phát triển KDCN của doanh nghiệp.
Hình thức tra cứu này cũng giúp doanh nghiệp xác định số lượng đơn và bằng KDCN của các công ty, doanh nghiệp đối thủ đang cạnh tranh trong cùng một lĩnh vực, qua đó nắm được định hướng phát triển, sản phẩm trọng tâm, sản phẩm mới của các công ty, doanh nghiệp đối thủ và xây dựng cho mình chiến lược phát triển và cạnh tranh phù hợp.
Theo sohuutritue.net