Trong những năm gần đây, Việt Nam (VN) đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, đặc biệt là trong xuất khẩu. Tuy nhiên, rất ít CDĐL của VN được đăng ký bảo hộ ở các thị trường nước ngoài – điều này gây ra những thiệt hại và nguy cơ rủi ro cho xuất khẩu nông sản của VN
Việt nam từng mất nhiều thời gian và công sức đi “đòi lại” tên một sản phẩm như nước mắm Phú Quốc. Nguồn ảnh: Pháp luật TP HCM
Doanh nghiệp còn “thờ ơ” với đăng ký CDĐL ở nước ngoài
Trong buổi lễ công bố văn bằng bảo hộ CDĐL cho cà phê Sơn La hồi tháng 8 tại Hà Nội, khi chúng tôi hỏi về kế hoạch bảo hộ CDĐL này ở thị trường nước ngoài thì ông Đặng Văn Thịnh, giám đốc công ty TNHH cà phê Sơn La – một trong 4 đơn vị được cấp quyền sử dụng CDĐL cà phê Sơn La, cho rằng “đã được cấp CDĐL trong nước rồi thì không cần bảo hộ ở nước ngoài nữa”.
Không chỉ có cà phê Sơn La, mà thực tế có một số doanh nghiệp chưa hiểu đúng về bản chất của CDĐL, nên không quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. CDĐL là dấu hiệu (chữ viết hoặc hình ảnh) chỉ nguồn gốc địa lý (địa phương, khu vực hoặc quốc gia) của sản phẩm và được bảo hộ theo phạm vi lãnh thổ. Phần lớn CDĐL của VN hiện nay mới chỉ được bảo hộ trong nước. Điều này ảnh rất lớn tới VN – quốc gia đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản.
Nếu không đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, CDĐL có thể bị cá nhân hoặc tổ chức khác đăng ký độc quyền. Rất nhiều trường hợp CDĐL nổi tiếng của VN đã bị “âm thầm lấy mất” theo cách này nhưng doanh nghiệp vẫn không phát hiện ra, tiêu biểu là vụ việc CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột. Vào tháng 6/2011, nhờ thông tin trên internet, công ty SHTT Bross & Partners đã tình cờ phát hiện ra nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (được bảo hộ CDĐL ở VN từ năm 2005) đã bị một công ty Trung Quốc đăng ký độc quyền nhãn hiệu thời hạn 10 năm, bắt đầu từ 2010 và 2011 cho một số loại sản phẩm cà phê trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Mặc dù lý lẽ thuộc về VN, nhưng chúng ta cũng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi kiện, “đòi” lại tên “Buôn Ma Thuột”. Rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra với nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre,…
Bên cạnh đó, việc thiếu quan tâm xây dựng, bảo hộ thương hiệu còn khiến phần lớn nông sản VN chỉ được xuất khẩu dưới dạng thô, lợi ích kinh tế thấp. Chẳng hạn trường hợp chè Shan tuyết, mặc dù đã được cấp tên CDĐL Mộc Châu từ năm 2010, nhưng việc sử dụng nhãn mác “Mộc Châu” trong lưu thông sản phẩm chè Shan tuyết mới chỉ thực hiện đối với chè tiêu thụ nội địa, 90% sản phẩm chè hiện nay tiêu thụ ở thị trường nước ngoài do chưa được bảo hộ nên chỉ xuất bán dưới dạng chè thô. Sau 8 năm, đến tháng 4/2018, CDĐL chè Shan tuyết Mộc Châu mới được đăng ký ở thị trường Thái Lan.
Trong bối cảnh doanh nghiệp còn chưa ý thức rõ rệt về vai trò của CDĐL ở nước ngoài, thì cơ chế đăng ký bảo hộ và quản lý CDĐL ở VN còn mang tính “bao cấp” đã vô hình trung khiến doanh nghiệp càng “thờ ơ”, thiếu quan tâm. Hiện nay toàn bộ quá trình này đều được chính quyền địa phương thực hiện “từ A đến Z” dưới sự trao quyền quản lý của nhà nước. (Theo quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, CDĐL thuộc sở hữu của nhà nước. Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc trao quyền quản lý CDĐL cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL).
Do được “bao cấp” nên các doanh nghiệp không có động lực tham gia xây dựng CDĐL. Thậm chí có doanh nghiệp còn nghĩ rằng CDĐL của nhà nước nên không được phép sử dụng. Bên cạnh sự “thờ ơ” của DN, bản thân đơn vị được trao quyền quản lý CDĐL cũng thiếu sự quan tâm. “CDĐL của mình có một điểm rất bất hợp lý, đó là người nông dân, DN là đối tượng sử dụng và được hưởng lợi từ CDĐL, nhưng CDĐL lại được nhà nước giao cho Sở KH&CN quản lý, nên nhiều lúc họ quên béng đi”, PGS. TS. Trần Văn Hải, trưởng bộ môn SHTT ở trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội nhận xét.
Sự thiếu phối hợp giữa bên sử dụng (doanh nghiệp) với bên sở hữu và quản lý (chính quyền) đã khiến CDĐL chưa được sử dụng hiệu quả, thậm chí rơi vào tình cảnh “cha chung không ai khóc”. Một ví dụ tiêu biểu là CDĐL nước mắm Phú Quốc, đã được đăng ký ở VN từ năm 2001. Tuy nhiên, đến năm 2011, một công ty Hồng Kông đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này ở Trung Quốc và được luật sư Lê Quang Vinh (công ty SHTT Bross & Partners) phát hiện ra. Ngay lúc đó, ông Vinh đã gửi thư cảnh báo cho Hiệp hội nước mắm Phú Quốc – đại diện cho các doanh nghiệp sử dụng CDĐL này và Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang – cơ quan quản lý CDĐL nhưng không thấy cả hai bên hồi âm. Sau đó ông Vinh tiếp tục gửi một bức thư cảnh báo và thúc giục rằng cần hành động càng sớm càng tốt bởi công ty kia ở Hồng Kông vẫn đang trong quá trình đợi cấp giấy chứng nhận.
Cần thay đổi như thế nào?
Bà Karine Lutnaes Aigner, tư vấn cấp cao Phòng Sáng chế công nghiệp Na Uy từng nhận định: “Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng và mang đặc tính riêng biệt như các loại trái cây, giống gạo, song nhiều chủ sở hữu vẫn chưa thấy rõ được sự cần thiết của việc đăng ký CDĐL hay bảo hộ thương hiệu. Do vậy, nếu không chú ý đến việc bảo hộ CDĐL thì nhiều đặc sản của Việt Nam sẽ “biến mất” hoặc gặp những vấn đề về pháp lý khi ra thị trường quốc tế” (VOV/ngày 27/05/2014).
Trong vấn đề này, một gợi ý cho VN là nên học tập kinh nghiệm quản lý của những quốc gia phát triển mạnh về CDĐL, tiêu biểu là Pháp. Khác với VN, chế độ quản lý CDĐL của Pháp được chia làm 3 cấp, độc lập với cơ chế kiểm tra hành chính. Bao gồm: (1) chế độ tự quản lý do mỗi cơ sở sản xuất tự thực hiện; (2) quản lý nội bộ: được thực hiện bởi tổ chức tập thể các nhà sản xuất. Các tổ chức này có nhiệm vụ: tiến hành kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm và trao quyền sử dụng CDĐL. Các tổ chức này được hoạt động độc lập, thực sự là một tổ chức mở, không bị hành chính hóa. Việc trao quyền sẽ giúp các nhà sản xuất, các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt hơn trong việc sử dụng và quản lý CDĐL, không bị “ỷ lại” vào nhà nước. Trong hội thảo “Vai trò của CDĐL trong phát triển kinh tế địa phương” do Hội Doanh nghiệp Hàng VN chất lượng cao tổ chức ngày 4/4/2018 tại TPHCM, TS. Delphine Marie Vivien ở Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD), cũng đồng tình với quan điểm này: “Người đứng đơn xin đăng ký bảo hộ CDĐL nên là các hội nghề nghiệp”. (3) Quản lý ngoại vi: do các tổ chức công như Hải quan, Cục cạnh tranh, tiêu dùng và chống gian lận thương mại thực hiện,… tập trung vào khâu lưu thông và khai thác thương mại các sản phẩm mang CDĐL nhằm phát hiện ra hàng giả hoặc không đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, từ năm 2006, Pháp cho phép các tổ chức tư nhân tham gia hoạt động này với điều kiện được Cơ quan Quốc gia về xuất xứ và chất lượng cấp chứng nhận đủ thẩm quyền thực hiện việc quản lý ngoại vi.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia có đặc điểm khác nhau, do vậy cần học tập cách làm của nước ngoài sao cho phù hợp với VN. Khác với các nước phát triển, sản xuất nông nghiệp ở VN chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, người nông dân còn chưa quen với cách làm CDĐL – có tổ chức bài bản và hệ thống quản lý, tiêu chuẩn rõ ràng. Bởi vậy, “nếu cho người dân toàn quyền, họ cũng không làm nổi”, ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục SHTT) cho biết. Trong bối cảnh đó: “sự tham gia của nhà nước vẫn hết sức cần thiết, điều quan trọng là ở mức độ nào. Hiện nay chúng tôi đang thử nghiệm mô hình mới, trong đó nhà nước đóng vai trò điều phối chung, những người sản xuất kinh doanh tự đứng ra tổ chức khai thác CDĐL và thống nhất cách làm, hiện nay mô hình này mới được áp dụng trên 2 CDĐL: hạt điều Bình Phước, cà phê Sơn La và thu được kết quả bước đầu rất tích cực”, ông nói.
Nguồn: SKH&CN