Một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở Singapore mang tên VV Technology đã thua trong trận chiến thương hiệu trước Twitter sau khi trợ lý đăng ký nhãn hiệu Mark Lim thông báo ngày 11 tháng 3 năm 2022 rằng nhãn hiệu mà công ty này đang cố gắng đăng ký trông giống với nhãn hiệu của dịch vụ truyền thông xã hội phổ biến toàn cầu.
Công ty VV Technology đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào ngày 10 tháng 9 năm 2018. Nhãn hiệu bao gồm một con chim khi đang bay, con chim không có mắt và hình ảnh thể hiện góc nghiêng của con chim. Công ty Singapore đã lên kế hoạch sử dụng logo cho một ứng dụng di động cho các dịch vụ mua sắm trực tuyến và giao đồ ăn.
Thông tin từ phía Twitter cho biết họ phản đối động thái này của công ty Singapore, với lý do logo có sự tương đồng với nhãn hiệu cực kỳ nổi tiếng của họ.
Theo Mark Lim, các nhãn hiệu này thực sự giống nhau về mặt hình ảnh, do đó phía VV Technology đã dừng nỗ lực đăng ký logo hình chim. Tuy nhiên sự giống nhau về hình ảnh, theo Lim, chỉ ở mức độ thấp. Tuy nhiên hai nhãn hiệu giống hệt nhau về mặt khái niệm vì cả hai đều mô tả hình ảnh một con chim dường như đang bay.
Theo George Hwang, giám đốc công ty TNHH George Hwang tại Singapore cho biết: “Tôi đồng ý rằng không nên đăng ký các nhãn hiệu tương tự về mặt hình ảnh, tất cả các điều kiện phản đối khác đã được đáp ứng. Theo luật Singapore, hai điều kiện khác để phản đối nhãn hiệu thành công là: sự tương tự của hàng hóa hoặc dịch vụ và khả năng bị nhầm lẫn bởi công chúng có liên quan. Trên thực tế, có nhiều trường hợp độ tương đồng về hình ảnh thấp và tòa án đã xem xét các yếu tố khác”.
Ông Hwang cho biết thêm rằng: “Điều tôi có chút băn khoăn là việc xác định sự tương đồng thấp về hình ảnh này với các phán quyết khác trong điều kiện số ba, đó là ‘khả năng nhầm lẫn’. ‘Khả năng nhầm lẫn’ liên quan đến việc người tiêu dùng tin rằng có mối quan hệ hoặc mối liên hệ nào đó giữa hai dịch vụ/ doanh nghiệp, điều này rộng hơn so với tình huống cổ điển là người tiêu dùng tin rằng các dịch vụ xuất phát từ cùng một nguồn”.
Phía công ty VV Technology tuyên bố rằng người dùng ứng dụng dành cho thiết bị di động đều là những “người bản địa kỹ thuật số”. Họ sẽ không bị nhầm lẫn bởi hai biểu tượng con chim trông giống nhau.
Trong phán quyết của mình vào ngày 11 tháng 3, ông Lim cho rằng danh tiếng của logo Twitter sẽ làm giảm khả năng công chúng bị nhầm lẫn bởi hai nhãn hiệu này. Tuy nhiên có thể người tiêu dùng vẫn sẽ bị nhầm lẫn vì hai nhãn hiệu này có thể tạo cho họ khái niệm về mối liên kết kinh tế đang tồn tại giữa chúng.
Nhận xét về phán quyết này, ông Hwang cho rằng: “Ông Lim tiếp tục tìm ra mối liên hệ kinh tế giữa hai nhãn hiệu này. Ông ấy có quan điểm rằng danh tiếng của Twitter làm tăng ‘khả năng xảy ra nhầm lẫn’ nếu chúng ta xem xét liên kết kinh tế”. Liên kết kinh tế phát sinh theo hai cách:
- Nhãn hiệu của Người nộp đơn là một sự lặp lại mới nhãn hiệu của Twitter
- Nhãn hiệu của Người nộp đơn là một nhãn hiệu sửa đổi mà Twitter đang sử dụng cho các dịch vụ mới có liên quan chặt chẽ, là phần mở rộng của phạm vi dịch vụ hiện có của Twitter.
Vụ việc liên quan đến một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và một công ty lớn trong ngành truyền thông xã hội toàn cầu. Liệu đây có phải là sự phản ánh nhận thức thấp về quyền Sở hữu trí tuệ của các công ty khởi nghiệp và doanh nhân trẻ ở Singapore?
“Nó phụ thuộc vào những gì bạn cho là nhận thức thấp. Họ nhận thức được một thứ gọi là tài sản trí tuệ. Tuy nhiên nếu nói về các loại tài sản trí tuệ, làm thế nào để quản lý và khai thác chúng hoặc tránh kiện tụng thì đó lại là một câu chuyện khác”. – Ông Hwang nói.