PHẦN 1: Sự ra đời của tín chỉ các bon trên thế giới
1) Tín chỉ các bon là gì?
Tín chỉ các-bon trong tiếng Anh là Carbon Credit.
Tín chỉ các-bon là giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu nó, ví dụ như công ty, phát thải khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác. Mỗi tín chỉ giới hạn lượng phát thải đến một tấn CO2. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ các-bon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.
Tín chỉ các-bon về bản chất là giấy phép do chính phủ hoặc cơ quan quản lí khác cấp, cho phép chủ sở hữu của nó đốt một lượng nhiên liệu hydrocacbon xác định trong một khoảng thời gian được qui định.
Mỗi tín chỉ các-bon có giá trị tương đương với một tấn nhiên liệu hydrocacbon. Các công ty hoặc quốc gia được phân bổ một lượng tín chỉ nhất định và có thể giao dịch chúng để giúp cân bằng tổng lượng khí thải trên toàn thế giới. Liên Hợp Quốc lưu ý, “Vì CO2 là khí nhà kính chính” nên “mọi người gọi đơn giản là kinh doanh các-bon.”
2) Tại sao Tín chỉ các bon ra đời?
Mục tiêu của chứng chỉ Các bon là làm giảm ô nhiễm toàn cầu và chặn lại sự nóng lên của trái đất, để làm việc đó Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu và các tổ chức khác đã đề xuất 1 cơ chế khiến các công ty xả thải khí nhà kính nhiều phải trả tiền cho sự ô nhiễm của mình và ngược lại các cơ sở, công ty khác đang góp phần làm giảm ô nhiễm thông qua các hoạt động sinh thái như trồng rừng, phát triển công nghệ sạch sẽ nhận được lợi nhuận từ công việc của họ nhờ việc chứng minh họ đã làm giảm lượng khí thải các bon.
Năm 1997 đã ra đời Nghị định thư Kyoto đặt ra các mục tiêu giảm phát thải ràng buộc cho các quốc gia đã kí kết, bắt đầu có hiệu lực vào năm 2005. Một thỏa thuận khác là Hiệp định Marrakesh nêu ra các qui tắc về cách thức thực hiện hệ thống. Các quốc gia được khuyến khích đạt được mục tiêu của họ thông qua cơ chế giao dịch khí phát thải.
Thời hạn cam kết đầu tiên của Nghị định thư Kyoto đã kết thúc vào năm 2012 và giao thức này đã được sửa đổi vào năm đó trong một thỏa thuận được gọi là Sửa đổi Doha, nhưng vẫn chưa được thông qua. Trong khi đó, hơn 170 quốc gia đã kí kết Thỏa thuận Paris 2015, cũng đưa ra các tiêu chuẩn khí thải và cho phép giao dịch khí thải.
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (tiếng Anh: 2021 United Nations Climate Change Conference), thường được biết đến nhiều hơn với tên viết tắt COP26 tổ chức tại Trung tâm SEC ở Glasgow cũng đã đạt được thỏa thuận lớn về cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, khôi phục trồng rừng và tài trợ trực tiếp cho các quốc gia đang phát triển nhằm giảm lượng phát thải gây ô nhiễm. Tuy nhiên tại hội nghị này vấn đề tín chỉ các bon (CO2 Credit) vẫn chỉ là khuyến khích và tài trợ các quốc gia đang phát triển có các biện pháp để làm giảm lượng các bon xả thải. Tuy vậy chưa có cơ chế rõ rệt về việc các quốc gia này sẽ có các lợi ích thiết thực từ việc làm giảm khí thải các bon.
Sở dĩ tín chỉ các bon chưa được coi trọng và phổ biến tại các quốc gia đang phát triển là vì hiện nay chủ yếu nguồn ô nhiễm CO2 vẫn đến từ các ngành công nghiệp lớn của các cường quốc như Mỹ, Tây Âu và Trung Quốc. Chính tại các quốc gia Châu Âu và Mỹ, thị trường tín chỉ các bon phát triển rất nhộn nhịp. Việc mua bán tín chỉ các bon trở lên công khai.
Có thể ví dụ về mua bán tín chỉ các bon như sau:
Giả sử công ty Cổ phần Công nghiệp A có giới hạn 10 tấn nhưng tạo ra 12 tấn khí thải. Công ty B cũng có giới hạn phát thải 10 tấn nhưng chỉ phát thải 8 tấn, dẫn đến dư thừa 2 tín chỉ. Công ty A có thể mua các tín chỉ bổ sung từ công ty B để tuân thủ các qui định về môi trường.
Nếu không mua các tín chỉ các-bon đó, công ty A sẽ phải đối mặt với các hình phạt. Tuy nhiên, nếu giá của các tín chỉ vượt quá mức phạt của chính phủ, một số công ty có thể lựa chọn chấp nhận các hình phạt và tiếp tục hoạt động bình thường.
Bằng cách tăng tiền phạt, các cơ quan quản lí có thể làm cho việc mua bán tín chỉ trở nên hấp dẫn hơn. Họ cũng có thể giảm số tín chỉ phát hành mỗi năm, làm cho tín chỉ có giá trị hơn trong thị trường mua bán phát thải và tạo ra động lực cho các công ty đầu tư vào công nghệ sạch khi nó trở nên rẻ hơn so với việc mua tín chỉ các-bon hoặc nộp tiền phạt.
Để hiểu rõ hơn tại sao cần vận hành 1 thị trường tín chỉ các bon (CO2 Credit) và Việt Nam được lợi gì từ điều này, xin các bạn hãy xem phần 2: Tương lai thị trường tín chỉ các bon toàn cầu và Việt nam nên tham gia như thế nào vào thị trường các bon này?