Trong thế giới kết nối như ngày nay, chúng ta chỉ có thể vượt qua đại dịch khi tình hình được khắc phục ở mọi nơi. Không ai thực sự được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Việc chậm trễ tiêm chủng và thiếu hụt nguồn cung cấp thiết bị bảo vệ và phương pháp điều trị đã làm tăng khả năng vi rút đột biến. Điều này làm suy yếu khả năng của chúng ta trong việc kiểm soát đại dịch, ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. Không chỉ vậy, sau hai năm trải qua đại dịch, phần lớn lượng vắc xin tiêm chủng đều tập trung ở các nước giàu.
Tính đến tháng 10 năm 2021, chỉ có 0,7% tổng số liều vắc xin sản xuất được chuyển đến các nước thu nhập thấp, trong khi đó các nhà sản xuất vắc xin đã phân phối số lượng thuốc đến các nước thu nhập cao gấp 47 lần so với các nước thu nhập thấp. Kể từ khi thành lập, COVAX – sáng kiến được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn dành riêng cho việc thúc đẩy khả năng tiếp cận với vắc xin Covid, đã phải vật lộn để có đủ liều lượng vắc xin. Gần đây, COVAX đã vượt qua con số 1 tỷ liều được phân phối – một nửa so với mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc xin vào cuối năm 2021. Cụ thể, Astra Zeneca, Pfizer/ BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson đã phân phối từ 0% đến 39% so với các cam kết với COVAX vào năm 2021.
Trong khi đó, Ủy ban toàn cầu về chính sách hậu đại dịch ước tính rằng trong khi châu Á và châu Âu có thể tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số vào tháng 3 năm 2022 và Bắc Mỹ vào tháng 5 năm 2022 thì với tỷ lệ hiện tại châu Phi sẽ không đạt 80% cho đến tận tháng 4 năm 2025.
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐỘC QUYỀN TRÍ TUỆ
Việc phân phối vắc xin không đồng đều một phần đến từ việc sản xuất không đủ. Nguyên nhân của sự khan hiếm nguồn cung đến từ việc quyền sở hữu trí tuệ mang lại cho các công ty dược quyền độc quyền sản xuất và độc quyền chuyển giao công nghệ của họ cho các công ty khác. Ấn Độ và Nam Phi được đồng tài trợ bởi hơn 100 quốc gia khác nhau đã khởi xướng một chiến dịch trong Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo sản xuất vắc xin, PPE, chẩn đoán, máy thở và thuốc cần thiết. Việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ đảm bảo sản xuất cần thiết bằng cách cho phép các công ty sản xuất các sản phẩm liên quan đến Covid.
Đáng ngạc nhiên rằng sau sáu tháng, Hoa Kỳ đã ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin, nhưng không ủng hộ việc từ bỏ quyền đối với các vật liệu y tế. Tuy nhiên cho đến nay, Washington đã không sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình để áp dụng sự miễn trừ trên toàn cầu, và châu Âu cũng đã từ chối sáng kiến này.
Mặt khác, Brussels đề xuất sử dụng Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) một cách linh hoạt. Tuy nhiên, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz lại cho rằng sự linh hoạt này không thật sự hữu ích.
Quyền sở hữu trí tuệ có thể được coi là quyền lực chính trị vì chúng mang lại lợi ích xã hội cụ thể và được vận động để thực hiện, đặc biết trong các ngành như dược phẩm, hóa chất noongn ghiệp, giải trí và truyền thông.
Việc ký kết hiệp định TRIPS tại Tổ chức Thương mại Thế giới năm 1994 là một bước ngoặt lịch sử đối với quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng của các hiệp định thương mại song phương nghiêm ngặt của Hoa Kỳ và EU. Điều này đã khiến cho “chủ nghĩa tư bản độc quyền về trí tuệ” ngày càng phức tạp, khi thế giới dần chuyển từ khoa học mở thành khoa học khép kín, khiến tri thức chỉ tập trung vào một số khu vực, quốc gia nhất định.
Việc kiểm soát các quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia trong việc tích lũy tài sản vô hình, từ đó dẫn đến khả năng kiểm soát giá tuyệt đối. Trong lĩnh vực y tế đang ngày càng được tài chính hóa, việc tăng lợi nhuận cho các chủ nợ và cổ đông, cũng như tích lũy danh mục quyền sở hữu trí tuệ đã cho phép các tập đoàn chiết xuất lợi nhuận độc quyền.
Vào năm 2019, các tập đoàn quản lý đầu tư như BlackRock, Vanguard và State Street là các cổ đông chính trong các công ty liên quan đến phát triển vắc xin bao gồm Pfizer (75,1%) và Johnson & Johnson (68,1%). Đây là một vấn đề nan giải vì nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố quyết định chính trong việc đổi mới trong lĩnh vực y tế có thể vì mục đích tạo ra lợi nhuận đầu tư, thay vì bảo vệ sức khỏe.
Do đó, một số nhà kinh tế lập luận rằng hệ thống kinh tế toàn cầu là “cấu trúc gây bệnh”, với nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực đến sức khỏe con người.
Một phân tích vào tháng 7 năm 2021 của Liên minh vắc xin nhân dân cho thấy Pfizer/ BioNTech và Moderna đang tính phí cho Chính phủ các nước cao hơn 41 tỷ đô la Mỹ so với chi phí sản xuất vắc xin ước tính. Trong khi đó, EU có thể đã phải trả nhiều hơn 31 tỷ Euro so với chi phí ước tính cho các liều mRNA của mình. Một phân tích tương tự cũng cho thấy rằng các quốc gia nói chung đang phải trả nhiều hơn từ 4 đến 24 lần so với giá thực tế của vắc xin Covid-19. Một báo cáo gần đây của nhóm vận động người tiêu dùng Public Citizen cho thấy việc thiết lập các trung tâm khu vực để sản xuất 8 tỷ liều vắc xin trong một năm sẽ tiêu tốn khoảng 23 tỷ đô la cho vắc xin Moderna và 9,4 tỷ đô la cho vắc xin Pfizer/BioNTech.
Nói một cách đơn giản, nếu không có độc quyền về sở hữu trí tuệ, số tiền mà COVAX bỏ ra sẽ đủ để tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ dân số của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Hơn nữa, công dân các quốc gia đang phải trả gấp đôi cho ngành công nghiệp dược phẩm: thứ nhất vì họ đang trả lợi nhuận độc quyền và thứ hai vì vắc xin được phát triển với nguồn vốn công thông qua các khoản trợ cấp lớn cho việc nghiên cứu và phát triển, và thông qua các đơn đặt hàng trước vắc xin của công chúng.
Ảnh hưởng của quyền sở hữu trí tuệ đối với sự đổi mới
Những người ủng hộ quyền sở hữu trí tuệ cho rằng nếu không chặt chẽ, các bên thứ ba sẽ có thể tiếp cận được các sáng chế mà không đảm bảo bồi thường đủ cho các nhà phát minh, do đó họ không khuyến khích đầu tư vào đổi mới. Nhưng Joseph Stiglitz lại lập luận rằng không có bằng chứng nào ủng hộ quan điểm chủ đạo này.
Thật vậy, các nhà độc quyền sử dụng quyền lực của mình để ngăn những nhà đổi mới gây nguy hiểm cho vị trí thống trị của họ và cố gắng duy trì vị trí của mình bằng cách chỉ đi trước đối thủ một chút. Điều này gây ảnh hưởng xấu đối với sự đổi mới. Vấn đề này càng trở nên rõ ràng trong đại dịch Covid-19. Thời báo New York đưa tin nghi ngờ rằng công ty Covidien đã mua lại công ty Newport để ngăn không cho công ty này sản xuất các sản phẩm rẻ hơn, dẫn đến việc làm giảm lợi nhuận của Covidien từ hoạt động kinh doanh máy thở hiện có của mình, mặc dù trên thực tế là máy thở ở Newport đã được phát triển bằng nguồn vốn công.
Một bài báo gần đây cho thấy rằng trong khi những tiến bộ công nghệ quan trọng đối với vắc xin mRNA được phát minh trong một số phòng thí nghiệm học thuật hoặc các công ty công nghệ sinh học nhỏ và sau đó được cấp phép cho các công ty lớn hơn thì quyền sở hữu trí tuệ thuộc sở hữu hoặc được giao cho các công ty lớn hơn đó để có thể cản trở sự phát triển của công nghệ trong tương lai.
Chủ nghĩa tư bản sở hữu trí tuệ, tăng trưởng và phân cực xã hội
Quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ cũng phản tác dụng từ góc độ kinh tế rộng hơn. Một số nhà kinh tế cho rằng chủ nghĩa tư bản độc quyền trí tuệ tạo ra khủng hoảng và trì trệ kinh tế. Học giả người Mỹ H Mark Schwartz đã chứng minh rằng các công ty dựa trên quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng đầu tư cận biên thấp hơn.
Việc độc quyền đối với tri thức do xã hội tạo ra bằng quyền sở hữu trí tuệ đã tạo ra các mối quan hệ thứ bậc giữa các công ty và giữa vốn với lao động, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và tạo ra tình huống trong đó một số ít các công ty chiếm được phần lớn lợi nhuận toàn cầu.