Theo các khảo sát cho thấy, trong khi các doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam còn khá thờ ơ với sở hữu trí tuệ (SHTT), thì đây lại là yêu cầu đặt lên hàng đầu của những nhà đầu tư EU khi hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí, đòi hỏi về bảo hộ SHTT của nhà đầu tư EU còn cao hơn đòi hỏi về quyền SHTT trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Những tồn tại liên quan đến vấn đề SHTT trong thực tế có thể dễ dàng nhận diện ở các khía cạnh như mâu thuẫn trong quy định của luật SHTTvà quy định của EVFTA, cách thức quản lý thực thi quyền SHTT ở Việt Nam còn lỏng lẻo. Ở nước ta, mặc dù đã có quy định về việc thực thi quyền SHTT nhưng việc thực thi bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng và quản lý việc sử dụng, ghi nhãn nguồn gốc xuất xứ chưa thật sự hiệu quả. Hầu như chỉ có biện pháp hành chính được áp dụng là chủ yếu. Hiệu quả các biện pháp hành chính cũng tương đối hạn chế, trong khi biện pháp dân sự theo yêu cầu của các bên liên quan cũng như việc thực thi liên quan tới nguồn gốc thực phẩm cũng còn rất hạn chế.
Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo các chuẩn mực quốc tế; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hệ thống luật pháp, đảm bảo nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thực thi vai trò can thiệp và điều tiết của chính phủ mà không cản trở, bóp méo sự phát triển của thị trường; hoàn thiện và đồng bộ hóa các thị trường trong nước: thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính, xoá bỏ các thủ tục rườm rà, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho các hoạt động bảo hộ quyền SHTT theo hướng thị trường, phù hợp với các cam kết quốc tế nói chung và của EVFTA nói riêng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát các hoạt động đầu tư, bảo hộ quyền SHTT mà Việt Nam đã cam kết. Trong đó, chú trọng nâng cao công tác quản trị và quản lý tài chính công của chính phủ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường năng lực quản trị kinh doanh của các giám đốc và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp; bồi dưỡng khả năng kinh doanh quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần phải tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động sản xuất kinh doanh và dần hình thành thói quen sử dụng tư vấn pháp lý…
Nhìn chung, Hiệp định EVFTA là một trong hai Hiệp định thế hệ mới lớn nhất và dự báo sẽ ảnh hưởng tới thể chế pháp luật và kinh tế của nước ta. Do vậy, Nhà nước cũng như các doanh nghiệp Việt Nam cần thiết phải nghiêm túc nghiên cứu và triển khai hiệu quả những giải pháp đột phá, qua đó tạo bước đệm tốt nhất trên lộ trình thực thi Hiệp định EVFTA có hiệu quả.
Xuân Bình