1. Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Theo Điều 4.13 của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện hành, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Trong đó, sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.
2.Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
– Có tính mới (tuyệt đối) (theo Điều 65 Luật SHTT hiện hành): Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
– Có tính sáng tạo (theo Điều 66 Luật SHTT hiện hành): Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các Kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, Kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
– Có khả năng áp dụng công nghiệp (theo Điều 67 Luật SHTT hiện hành): Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
– Đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (theo Điều 90 Luật SHTT hiện hành):
Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau, cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
3. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
Theo Điều 64 Luật SHTT hiện hành thì các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa Kiểu dáng công nghiệp:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có. Những đặc điểm, hình khối, đường nét bên ngoài của sản phẩm được quyết định bởi chính chức năng kỹ thuật của sản phẩm. Ví dụ: Hình xoắn ốc của mũi khoan, hình dáng dẹt, phẳng của đĩa CD… không được bảo hộ với danh nghĩa Kiểu dáng công nghiệp.
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp: hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp không được bảo hộ với danh nghĩa Kiểu dáng công nghiệp vì không thể tạo ra hàng loạt công trình xây dựng dân dụng giống nhau hoàn toàn từ hình dáng cho đến những gì thuộc về bên trong nó như trang thiết bị, nguyên vật liệu, nó chỉ có giá trị thẩm mỹ thuần túy không thỏa mãn được yêu cầu ứng dụng trong công nghiệp.
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm. Ví dụ: Động cơ xe máy. Vì kiểu dáng công nghiệp bắt buộc phải là hình dáng bên ngoài của sản phẩm và mang đặc tính mỹ thuật, hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng như động cơ xe máy sẽ không được bảo hộ.
- Đối tượng trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.
4. Trường hợp nào mà kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ nhưng không bị coi là mất tính mới?
Theo Điều 65.4 của Luật SHTT hiện hành, kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
– Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký;
– Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
– Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
5. Ai có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp?
Theo Điều 86 của Luật SHTT hiện hành thì tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký kiểu dáng:
– Tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của mình;
– Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
– Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
– Người có quyền đăng ký quy định tại Điều này có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
6. Quy trình và thời hạn xem xét đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp?
Theo quy định tại điểm 13.8.a, 14.2.b Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN và điều 119 Luật SHTT hiện hành, kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tiếp nhận, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được xem xét theo trình tự sau:
– Thẩm định hình thức: 01 tháng
– Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ
– Thẩm định nội dung: không quá 07 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
Trên thực tế, các thời hạn nêu trên thường kéo dài hơn.
7. Quy định về việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định tại Điều 17.1 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, trước khi Cục SHTT ra thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục SHTT sửa đổi hoặc bổ sung tài liệu đơn.
Việc sửa đổi, bổ sung đơn không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ đã bộc lộ trong bản mô tả và bộ ảnh chụp/bản vẽ ban đầu và không được làm thay đổi bản chất của kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn. Nói cách khác, đối tượng thể hiện trong bộ ảnh chụp/bản vẽ và bản mô tả mới phải không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp/bản vẽ và bản mô tả ban đầu. Nếu việc sửa đổi, bổ sung làm mở rộng phạm vi bảo hộ hoặc làm thay đổi bản chất của kiểu dáng công nghiệp ban đầu thì không được chấp nhận, người nộp đơn phải nộp đơn mới và mọi thủ tục được tiến hành lại từ đầu.
8. Sau khi nộp đơn cho kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm, có thể bổ sung thêm kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm mới hay không?
Việc bổ sung Kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm mới vào đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho bộ sản phẩm làm mở rộng phạm vi bảo hộ đã bộc lộ trong bản mô tả và bộ ảnh chụp/bản vẽ ban đầu, do đó không được chấp nhận theo quy định tại điểm 17.1.c Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
9.Có thể đăng ký nhiều kiểu dáng công nghiệp trong cùng một đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp không?
Theo quy định tại điểm 33.2 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ cho một kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, đơn có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho nhiều kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:
– Yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của nhiều sản phẩm trong một bộ sản phẩm, trong đó mỗi sản phẩm có một kiểu dáng công nghiệp tương ứng. Các sản phẩm trong bộ sản phẩm phải thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;
– Yêu cầu bảo hộ một kiểu dáng công nghiệp của một sản phẩm kèm theo một hoặc nhiều phương án biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó. Phương án đầu tiên phải là phương án cơ bản. Các phương án biến thể của một kiểu dáng công nghiệp phải không khác biệt đáng kể với phương án cơ bản và không khác biệt đáng kể với nhau.
10. Tách đơn kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định tại Điều 17.2 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, trước khi Cục SHTT ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục SHTT tách đơn kiểu dáng công nghiệp.
Việc tách đơn kiểu dáng công nghiệp thường được thực hiện đối với đơn kiểu dáng công nghiệp có nhiều phương án và các kiểu dáng theo các phương án này được coi là khác biệt đáng kể với nhau. (Các) đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc các ngày ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có).
Đối với mỗi đơn tách, người nộp đơn phải nộp lệ phí nộp đơn và mọi khoản phí, lệ phí cho các thủ tục được thực hiện độc lập với đơn ban đầu, nhưng không phải nộp phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu. Đơn tách phải được công bố lại và người nộp đơn phải nộp lệ phí công bố nếu việc tách đơn được thực hiện sau khi Cục Sở hữu trí tuệ đã có thông báo chấp nhận đơn hợp lệ đối với đơn ban đầu.
Đơn ban đầu (sau khi bị tách) tiếp tục được xử lý theo thủ tục thông thường và người nộp đơn phải nộp lệ phí sửa đổi, bổ sung đơn.
11. Có thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chỉ cho một phần nhất định trên sản phẩm của tôi hay không?
Theo Điều 4.13 của Luật SHTT hiện hành, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm. Theo điểm 33.2.b Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập. Như vậy, chỉ sản phẩm hoàn chỉnh và các bộ phận của sản phẩm có thể tách rời để lưu thông độc lập mới có thể đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Nếu một phần trên sản phẩm không thể tách rời khỏi sản phẩm thì không có khả năng lưu thông độc lập và do đó không thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
12. Tôi muốn kiểm tra kiểu dáng công nghiệp của tôi có giống với kiểu dáng công nghiệp nào đó đã nộp tại Cục SHTT hay không thì tôi có thể tìm kiếm thông tin ở đâu?
Cục SHTT hiện đang cung cấp công cụ tra cứu Kiểu dáng công nghiệp trực tuyến miễn phí tại các địa chỉ như
http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearchIND.php
http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/wopublish-search/public/home?2
Người dùng có thể tìm kiếm các kiểu dáng công nghiệp đã được chấp nhận đơn hợp lệ và được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp theo từng tiêu chí khác nhau như số đơn, tên kiểu dáng công nghiệp, chỉ số phân loại quốc tế Locarno, người nộp đơn, v.v, hoặc kết hợp các tiêu chí này.
13. Tại sao nên tra cứu thông tin về kiểu dáng công nghiệp trước khi đăng ký?
Tra cứu kiểu dáng công nghiệp trước khi đăng ký không phải là thủ tục bắt buộc do cơ quan Nhà nước hay bất kỳ đơn vị nào yêu cầu. Tuy nhiên, nó lại hết sức quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của chủ đơn. Mục đích của việc tra cứu nhằm:
+ Đánh giá sơ bộ khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp dự định đăng ký, nhờ đó giảm thiểu khả năng bị trùng hoặc tương tự với kiểu dáng công nghiệp đã bảo hộ trước đó.
+ Đánh giá được khả năng bảo hộ giúp chủ đơn quyết định có nên nộp đơn hay không, như vậy sẽ không lãng phí thời gian chờ đợi và chi phí khi ngay từ ban đầu.
+ Ngoài ra, việc tra cứu không nhất thiết phải tiến hành khi bạn đã có kiểu dáng công nghiệp của mình. Bạn có thể tiến hành tra cứu các kiểu dáng đã được công khai và dựa vào đó để lấy ý tưởng hoặc khai thác phục vụ cho việc cải tiến kiểu dáng công nghiệp sau này của mình.
Ngoài ra, việc tra cứu kiểu dáng công nghiệp còn đem lại nhiều lợi ích khác như:
– Tránh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ của chủ thể khác;
– Phản đối việc cấp văn bằng cho các đối tượng không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, kể cả sau khi đã được cấp bằng;
– Tránh được các chi phí không cần thiết cho việc nghiên cứu những giải pháp kỹ thuật đã biết;
– Xác định và đánh giá công nghệ để mua, bán li-xăng và chuyển giao công nghê;
– Xác định các công nghệ thay thế;
– Nắm bắt các giải pháp có sẵn cho các vấn đề kỹ thuật;
– Tìm kiếm ý tưởng cho việc tiếp tục đổi mới công nghệ;
– Tìm kiếm các đối tác kinh doanh;
– Theo dõi hoạt động của các đối thủ cạnh tranh hiện thời và tiềm năng trong tương lai;
– Tìm kiếm thị trường thích hợp;
– Lựa chọn các đối tượng SHCN đang có hiệu lực để ký kết hợp đồng mua bán quyền sử dụng, chuyển giao công nghệ, bí quyết sản xuất.
14. Các tài liệu để nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp vào Cục SHTT
a. Các tài liệu bắt buộc:
– 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đánh máy theo mẫu số 03-Kiểu dáng công nghiệp Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;
– 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp [Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng quy định tại điểm 33.5 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN];
– 04 Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp [Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng quy định tại điểm 33.6 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN];
– Chứng từ nộp phí, lệ phí.
b. Các tài liệu khác (nếu có):
– Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
– Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);
– Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác);
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
15. Phí, lệ phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Nói chung, chi phí nộp đơn kiểu dáng công nghiệp phụ thuộc vào một số yếu tố như số phương án, số hình vẽ/bản chụp, quyền ưu tiên.
Sau đây là phí/lệ phí quốc gia cho việc nộp đơn Kiểu dáng công nghiệp vào Cục SHTT:
– Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ;
– Phí phân loại Kiểu dáng công nghiệp: 100.000/01 phân loại;
– Phí thẩm định đơn: 700.000VNĐ/01 đối tượng;
– Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;
– Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/01 hình;
– Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 480.000VNĐ/01 đối tượng;
– Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên.
Lưu ý: Đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp cần được phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp, trường hợp Người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục SHTT sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định (100.000VNĐ/01 phân loại)
Nếu nộp đơn thông qua đại diện sở hữu công nghiệp, bạn sẽ chịu thêm phí dịch vụ cho việc nộp đơn kiểu dáng công nghiệp này. Phí dịch vụ sẽ thay đổi tùy theo đại diện, do đó bạn cần liên hệ trực tiếp với đại diện sở hữu công nghiệp để trao đổi về phí dịch vụ.
16. Gia hạn văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?
Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp được gia hạn nhiều nhất 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.
Để được gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp, trong vòng 06 tháng trước ngày Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp hết hiệu lực, chủ Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp phải nộp đơn yêu cầu gia hạn cho Cục SHTT.
Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn.
Đơn yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ gồm các tài liệu sau đây:
(a) Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, làm theo mẫu 02-GHVB quy định tại Phụ lục C của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN;
(b) Bản gốc văn bằng bảo hộ (trường hợp yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào văn bằng bảo hộ);
(c) Giấy uỷ quyền (trường hợp nộp đơn thông qua đại diện);
(d) Chứng từ nộp lệ phí gia hạn, công bố quyết định gia hạn và đăng bạ quyết định gia hạn văn bằng bảo hộ theo quy định.
17. Làm thế nào để đạt được sự bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của tôi ở nước ngoài?
Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mang tính chất lãnh thổ – nghĩa là Kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ ở các quốc gia hoặc khu vực mà nó được đăng ký. Nếu kiểu dáng công nghiệp chưa được đăng ký ở một quốc gia nhất định, nó sẽ không được bảo hộ ở quốc gia đó.
Có 3 cách để đạt được sự bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài:
– Thứ nhất, nộp đơn kiểu dáng công nghiệp vào quốc gia muốn bảo hộ:
Theo đó, bạn cần nộp đơn kiểu dáng công nghiệp của mình vào cơ quan SHTT của từng nước mà bạn muốn tìm kiếm sự bảo hộ. Tuy nhiên, cách này là khá tốn kém vì thường phải dịch sang các ngôn ngữ quốc gia có liên quan cũng như phải trả phí hành chính cũng như phí dịch vụ. Các khoản phí này cũng khác nhau đáng kể giữa các quốc gia.
– Thứ hai, nộp đơn Kiểu dáng công nghiệp theo khu vực/vùng lãnh thổ muốn bảo hộ:
Theo đó, nếu bạn muốn đạt được sự bảo hộ ở một nhóm các quốc gia là thành viên của các tổ chức liên chính phủ, bạn có thể nộp một đơn đăng ký duy nhất tại văn phòng sở hữu trí tuệ khu vực liên quan.
Ví dụ về các tổ chức liên chính phủ như:
- African Regional Industrial Property Organization (ARIPO): Tổ chức sở hữu trí tuệ khu vực châu Phi;
- Benelux Office for Intellectual Property (BOIP): Cơ quan sở hữu trí tuệ của Benelux (Benelux là liên minh của 3 nước láng giềng ở Tây Bắc của châu Âu bao gồm: Bỉ, Hà Lan và Luc-xem-bua);
- European Union Intellectual Property Office (EUIPO): Cơ quan Sở hữu trí tuệ liên minh Châu Âu;
- African Intellectual Property Office (OAPI): Tổ chức Sở hữu trí tuệ châu Phi.
– Thứ ba, nộp đơn Kiểu dáng công nghiệp quốc tế theo công ước La Hay:
Hệ thống La Hay (đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp) của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đơn giản hóa đáng kể quy trình tìm kiếm sự bảo vệ đồng thời ở hơn 70 quốc gia. Thay vì nộp đơn quốc gia bằng nhiều ngôn ngữ, hệ thống La Hay cho phép bạn nộp một đơn kiểu dáng công nghiệp và chỉ bằng một ngôn ngữ, do đó mang lại lợi ích về mặt chi phí đang kể cho người nộp đơn.
18. Yêu cầu đối với bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp
Theo Điểm 33.6 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Người nộp đơn phải nộp 04 bộ ảnh chụp hoặc 04 bộ bản vẽ Kiểu dáng công nghiệp thể hiện đối tượng cần yêu cầu bảo hộ một cách thống nhất và chính xác được in hoặc gắn trên giấy khổ A4 không đóng khung. Bộ ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ, đến mức căn cứ vào đó, bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng đều có thể xác định được Kiểu dáng công nghiệp đó và theo các hướng dẫn sau đây:
- Ảnh chụp, bản vẽ phải rõ ràng, sắc nét; bản vẽ phải được thể hiện bằng đường nét liền; nền ảnh chụp, bản vẽ phải có màu đồng nhất và tương phản với kiểu dáng công nghiệp; trên ảnh chụp, bản vẽ chỉ được thể hiện sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ (không kèm theo sản phẩm khác).
- Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện Kiểu dáng công nghiệp theo cùng một tỷ lệ. Kích thước của kiểu dáng công nghiệp trong ảnh chụp, bản vẽ không được nhỏ hơn 90mm x 120mm và không được lớn hơn 190mm x 277mm.
- Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một chiều và lần lượt theo thứ tự: hình phối cảnh (ba chiều) của kiểu dáng công nghiệp, hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp từ phía trước, từ phía sau, từ bên phải, từ bên trái, từ trên xuống, từ dưới lên; các hình chiếu phải được thể hiện chính diện.
- Đối với kiểu dáng công nghiệp có hình chiếu đối xứng thì ảnh chụp, bản vẽ có thể không cần thể hiện thêm các hình chiếu đối xứng, với điều kiện phải nêu rõ điều đó trong phần liệt kê ảnh chụp, bản vẽ thuộc bản mô tả.
- Đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm có thể khai triển được (ví dụ: hộp đựng, đồ bao gói…), các hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp có thể được thay thế bằng ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp ở trạng thái đã khai triển.
- Tuỳ thuộc vào mức độ phức tạp của kiểu dáng công nghiệp, có thể cần phải có thêm ảnh chụp, bản vẽ phối cảnh từ các góc độ khác, mặt cắt, hình phóng to bộ phận, hình chi tiết rời của sản phẩm… đủ để thể hiện rõ các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ.
- Đối với sản phẩm có các trạng thái sử dụng khác nhau (ví dụ: sản phẩm có nắp hoặc có thể gập lại được), phải có ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm ở các trạng thái khác nhau.
- Đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận của sản phẩm hoàn chỉnh, phải có thêm ảnh chụp, bản vẽ minh hoạ vị trí lắp đặt, sử dụng bộ phận trên sản phẩm hoàn chỉnh.
- Mỗi phương án của kiểu dáng công nghiệp phải có bộ ảnh chụp, bản vẽ thể hiện đầy đủ từng phương án theo quy định tại điểm này.
- Đối với bộ sản phẩm phải có hình phối cảnh của cả bộ sản phẩm và bộ ảnh chụp, bản vẽ của từng sản phẩm trong bộ đó theo quy định tại điểm này.
19. Có thể phản đối việc cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được không?
Theo quy định tại Điều 112 của Luật SHTT hiện hành, kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó.
Ý kiến này phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.
Định kỳ hàng tháng Cục SHTT sẽ công bố các đơn đăng ký hợp lệ trên công báo sở hữu công nghiệp (bản điện tử). Bạn có thể kiểm tra xem đơn mà bạn muốn phản đối đã được công bố hay chưa để có thể tiến hành nộp đơn phản đối bằng việc sử dụng công báo này.
20. Tôi đã nộp đơn đăng ký cho kiểu dáng công nghiệp của mình nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ. Nếu phát hiện một công ty khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký của tôi, tôi có quyền yêu cầu công ty đó chấm dứt hành vi sử dụng không?
Theo Điều 131 Luật SHTT hiện hành:
– Trường hợp người nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp biết rằng kiểu dáng công nghiệp đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo Sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.
– Trong trường hợp đã được thông báo mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng kiểu dáng công nghiệp thì khi Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được cấp, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có quyền yêu cầu người đã sử dụng kiểu dáng công nghiệp phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
21. Tôi có thể chuyển giao đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho người khác được không?
Có thể chuyển giao đơn kiểu dáng công nghiệp. Theo đó, trước khi Cục SHTT ra một trong các thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể yêu cầu Cục SHTT ghi nhận việc thay đổi chủ đơn trên cơ sở chuyển nhượng, thừa kế, kế thừa hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ yêu cầu cho việc ghi nhận việc chuyển giao là:
(i) 02 Tờ khai yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đánh máy theo mẫu số: 01-CGĐ Phụ lục B của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;
(ii) Tài liệu chuyển nhượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; số đơn được chuyển nhượng hoặc thông tin đủ để xác định đơn đó);
(iii) Giấy ủy quyền (nếu yêu cầu chuyển nhượng đơn nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp)
(iv) Phí thẩm định yêu cầu chuyển nhượng đơn (160.000VNĐ/01 đơn đăng ký); Phí công bố (120.000VNĐ/01 đơn đăng ký trong trường hợp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ).
Lưu ý:
Nội dung tư vấn trên đây dựa trên các quy định của pháp luật vào thời điểm tư vấn. Nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật.
Xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email winco@winco.vn; patent@winco.com.vn hoặc số điện thoại (84-24) 3 7628119 / (84-24) 3 7628185 nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào hoặc cần tư vấn để được sự hỗ trợ nhanh chóng và chính xác nhất từ chúng tôi.
Công ty Luật WINCO là công ty tư vấn chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt nam, WINCO đã và đang cung cấp cho khách hàng những dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trong mọi lĩnh vực như: Sở hữu Trí tuệ, Đầu tư, Doanh nghiệp, M&A, Thương mại, Thuế, Tài chính, Ngân hàng, Bất động sản, Dân sự, Hình sự, Tranh tụng tại Tòa án… WINCO đã đại diện cho nhiều khách hàng trong và ngoài nước nộp đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ (Nhãn hiệu, Kiểu dáng Công nghiệp, Sáng chế, Bản quyền tác giả,… ) ở trong nước, các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời giải quyết hàng trăm vụ khiếu nại bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ bị xâm phạm.