Câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi có thắc mắc trong vấn đề sau rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư!
Sau khi kết hôn, ngoài khối tài sản chung của hai vợ chồng thì vợ, chồng còn có quyền sở hữu tài sản của riêng mình không? Nếu có thì được quy định cụ thể như nào?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn:
Chào Anh/Chị!
Vấn đề của Anh/Chị hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:
- Tài sản riêng của vợ, chồng là gì?
Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định của pháp luật, bao gồm:
– Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
– Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
– Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng;
– Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng;
– Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng sau khi chia tài sản chung của vợ, chồng;
– Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ;
– Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;
– Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Như vậy, trong thời kỳ hôn nhân thì vợ, chồng đều có thể có tài sản riêng của mình và nếu là tài sản riêng của vợ, chồng thì sẽ thuộc quyền sở hữu của mỗi người.
- Thế nào là chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng?
Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật còn được gọi là quyền sở hữu.
– Về quyền chiếm hữu: Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền chiếm hữu bao gồm việc chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là của chủ sở hữu, là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.
– Về quyền sử dụng: Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật”.
– Về quyền định đoạt: Theo quy định Điều 192 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản”.
Theo Điều 206 Bộ luật Dân sự năm 2015 về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng quy định: “Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Như vậy, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội và không gây thiệt hại; được khai thác cũng như hưởng lợi ích từ khối tài sản khai thác được trong phạm vi pháp luật cho phép và được quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản đó.
- Quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng
3.1. Về quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng hoặc nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung”.
Theo đó, vợ, chồng có tài sản riêng thì có quyền quyết định nhập hay không nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng. Theo quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện như sau:
– Theo thỏa thuận của vợ chồng.
– Tài sản được nhập vào tài sản chung nếu theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định, thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
– Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Như vậy, vợ hoặc chồng có toàn quyền quyết định đối với tài sản riêng của mình, không ai được ép buộc người vợ, người chồng có tài sản riêng phải nhập tài sản riêng của họ vào khối tài sản chung của vợ chồng.
3.2. Về quyền quản lý tài sản riêng của vợ, chồng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản”.
Như vậy, khi xác lập quyền sở hữu với tài sản riêng của mình thì vợ, chồng sẽ tự quản lý tài sản đó. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng thì có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản của mình. Trường hợp một bên vợ, chồng không thể tự quản lý và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng thì người còn lại mới có quyền quản lý tài sản đó.
3.3. Về nghĩa vụ riêng của vợ, chồng đối với tài sản riêng của mình
Theo khoản 3 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó”.
Ngoài việc có các quyền sở hữu đối với tài sản riêng của mình thì vợ hoặc chồng còn có các nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đó. Khi vợ, chồng có nghĩa vụ riêng về tài sản của mình thì phải dùng tài sản riêng của mình để thanh toán các nghĩa vụ đó. Trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng không đủ để thanh toán các nghĩa vụ riêng về tài sản thì thanh toán bằng phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung của vợ chồng hoặc vợ, chồng có thể thỏa thuận thanh toán bằng tài sản chung.
3.4. Về quyền định đoạt của vợ, chồng đối hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình
Theo khoản 4 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ”.
Theo đó, trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ. Đây là quy định phù hợp với thực tế cuộc sống và nhằm mục đích đảm bảo tính ổn định của cuộc sống chung, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong gia đình.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng” thì trong trường hợp này, một bên vợ, chồng là chủ sở hữu tài sản riêng có quyền ủy quyền cho bên kia thay mặt mình xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản đó.
Như vậy, khi vợ hoặc chồng có tài sản riêng thì được quyền sở hữu riêng tài sản đó và không phụ thuộc vào ý chí của bên còn lại. Điều này cho thấy pháp luật đã ghi nhận quyền tự do của mỗi cá nhân, trong đó có quyền tự do chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của vợ chồng.
4.Cơ sở pháp lý
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình của Chính phủ.