Ngày Quyền của người tiêu dùng được tổ chức hàng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước.
Ngày 15/3 hằng năm được Liên Hợp quốc chính thức tuyên bố là Ngày Quyền của người tiêu dùng trên toàn thế giới nhằm cổ vũ cho những quyền cơ bản của người tiêu dùng, phản đối các hành vi vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, qua đó đề cao vai trò và vị thế của người tiêu dùng, đẩy mạnh công cuộc bảo vệ người tiêu dùng trên toàn thế giới. Ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Kể từ đó ngày 15/3 hàng năm Bộ Công thương sẽ phát động tổ chức sự kiện thường niên để tuyên truyền về ý nghĩa của quyền người tiêu dùng Việt Nam. Ngày này cũng nhằm nhắc nhở người tiêu dùng ý thức về quyền lợi của mình và qua đó khiến các doanh nghiệp nâng cao ý thức chăm sóc khách hàng và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Ảnh: tuyên truyền về quyền người tiêu dùng tại tỉnh Bắc Cạn.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3/2023) là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương phát động. Năm 2023, với Chủ đề “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”, nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.
Các doanh nghiệp cam kết nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới sản xuất, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ an toàn, đảm bảo chất lượng; Tăng cường hiệu quả giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng; Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Về phía Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cam kết đảm bảo duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh, trách nhiệm, an toàn trong thời kỳ bình thường mới; Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong thời kỳ bình thường mới, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…
Theo chinhphu.vn và bộ công thương Việt Nam.