Bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp quảng bá sản phẩm, đem lại nhiều giá trị về kinh tế cho người dân nơi sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Vậy, chỉ dẫn địa lý là gì? Những điều cần biết về chỉ dẫn địa lý.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- Khái niệm chỉ dẫn địa lý?
- Điều kiện bảo hộ với chỉ dẫn địa lý thế nào?
- Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý?
- Đối tượng nào không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý?
- Khái niệm chỉ dẫn địa lý?
Theo khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và tiếp tục được sửa đổi năm 2022 quy định rõ:
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Theo điều 22 hiệp định TRIPS “chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ một khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định”
Như vậy, chỉ dẫn địa lý là những dấu hiệu được xác định là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ. Những dấu hiệu dùng để xác định sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực, địa phương, vùng hay lãnh thổ cụ thể, mà danh tiếng chất lượng của sản phẩm đó được quyết định bởi điều kiện địa lý của vùng đất đó. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thông thường là đặc sản của địa phương, có chất lượng và đặc tính riêng quyết định bởi điều kiện địa lý của địa phương đó.
Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý là ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.
Ví dụ: Chả mực Hạ Long, Nhãn lồng Hưng Yên, Bưởi Đoan Hùng, Gốm Bát Tràng, nước mắm Phú Quốc, Vải thiều Thanh Hà,..
Cần phải phân biệt hai khái niệm “chỉ dẫn địa lý” và “chỉ dẫn nguồn gốc”. Chỉ dẫn nguồn gốc là dấu hiệu chỉ ra tên địa lý của một quốc gia, một khu vực hay một vùng cụ thể nơi sản phẩm được tạo ra mà không cần dựa trên chất lượng hay tính đặc thù của sản phẩm. Chỉ cẫn nguồn gốc không phải là sự đảm bảo về chất lượng của sản phẩm mà giúp người tiêu dùng xác định được xuất xứ của sản phẩm .
- Điều kiện bảo hộ với chỉ dẫn địa lý thế nào?
Điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý được quy định rõ tại Mục 6 Luật Sở hữu trí tuệ.
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau:
– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
- Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.
- Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương
– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
- Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
- Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
- Quyền đăng ký chỉ đẫn địa lý
Căn cứ điều 88 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định về quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý cụ thể như sau:
Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước.
Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
- Đối tượng nào không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý?
Theo Điều 80 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2019, các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý gồm:
– Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.
– Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng.
– Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa.
– Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.