Đánh bạc là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự xã hội, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân người chơi và gia đình của họ mà còn là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội và tội phạm khác. Sự gia tăng về số lượng các vụ đánh bạc cùng với hình thức rất đa dạng, phức tạp, tinh vi gây ra nhiều khó khăn trong việc xử lý tội đánh bạc. Do đó, pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về hình phạt đối với các hành vi này.
-
Đánh bạc là gì?
Đánh bạc là hành vi tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự thắng (hoặc thua) kèm theo việc được (hoặc mất) lợi ích vật chất đáng kể (tiền, hiện vật).
Tiền có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ; hiện vật có thể là tài sản, như: ô tô, xe máy,…Tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc là những thứ có thể thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc, trong người đánh bạc hoặc nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc.
-
Các hình thức đánh bạc
Hành vi đánh bạc được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, các hình thức đánh bạc thường thấy là chơi bài, chơi lô đề, bài tây, cá độ bóng đá, chọi gà, cá độ đua ngựa, đua xe,…
Theo đó, có thể thấy hình thức đánh bạc đa dạng, phong phú và được thực hiện với thủ đoạn tinh vi, ngụy trang trá hình dưới nhiều dạng khác nhau. Ngoài những hình thức đánh bạc truyền thống như: chơi bài, chơi lô đề,…thì tội phạm đánh bạc còn lợi dụng những tiện ích của mạng internet để tổ chức đánh bạc dưới nhiều hình thức khác nhau, nổi lên là tình trạng cá độ bóng đá qua mạng internet. Ngoài ra, tình trạng đánh bạc trực tuyến dưới vỏ bọc là các ứng dụng trò chơi game online có đổi thưởng từ tiền ảo sang tiền thật và ngược lại cũng là một trong những hình thức đánh bạc xuất hiện nhiều trong thời gian qua.
-
Các yếu tố cấu thành tội đánh bạc
3.1. Chủ thể của tội phạm đánh bạc
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và tội đánh bạc không thuộc vào trường hợp là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nên độ tuổi của chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc là từ đủ 16 tuổi trở lên trong trường hợp hành vi vi phạm đủ cấu thành tội đánh bạc.
Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi đánh bạc trái phép là tất cả những người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, làm chủ được hành vi cũng như nhận thức được hậu quả của mình gây ra và đủ độ tuổi theo như quy định trên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm của mình.
3.2. Khách thể của tội phạm đánh bạc
Tội phạm đánh bạc xâm phạm đến an ninh, trật tự công cộng và trật tự an toàn xã hội. Hành vi đánh bạc trái phép ảnh hưởng đến lối sống văn hóa, thuần phong mỹ tục của xã hội và được xem như một tệ nạn của xã hội.
3.3. Mặt khách quan của tội phạm đánh bạc
Hành vi khách quan
Hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kì hình thức nào, có sự thỏa thuận thắng thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; tiền hoặc hiện vật có giá trị dưới 5.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Hành vi đánh bạc trái phép là hành vi dùng tiền, tài sản khác có giá trị tham gia vào sự việc trái phép mà người thực hiện hành vi có thể được thua bằng tiền hoặc tài sản khác có giá trị khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Lưu ý:
Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm: tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Hành vi đánh bạc trái phép cấu thành tội phạm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
– Thua bằng tiền hoặc hiện vật dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.
– Thua bằng tiền hoặc hiện vật dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Khi xác định tội đánh bạc đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc củạ tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc riêng để xem xét như trên.
Hậu quả
Tội đánh bạc chỉ quy định hành vi khách quan mà không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hậu quả của hành vi đánh bạc cũng không phải là yếu tố định khung hình phạt, mặc dù hành vi đánh bạc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội như: do đánh bạc mà dẫn đến các hành vi phạm tội khác như trộm cắp, cướp giật, cướp, cố ý gây thương tích, giết người, gây rối trật tự công cộng,… Pháp luật không quy định hậu quả là yếu tố định tội vì hậu quả mà tội đánh bạc gây ra có thể cấu thành tội phạm khác thậm chí có yếu tố nguy hiểm hơn tội đánh bạc. Trường hợp đánh bạc mà gây ra những hành vi phạm tội khác thì người phạm tội bị truy cứu đối với tội tương ứng theo quy định của pháp luật.
3.4. Mặt chủ quan của tội phạm đánh bạc
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và mong muốn thực hiện hành vi đó, nhằm thu lợi cá nhân, lấy tiền, tài sản của người thua bạc.
-
Hình phạt đối với tội đánh bạc
4.1. Mức xử phạt đối với tội đánh bạc
Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội đánh bạc thì khung hình phạt của tội đánh bạc được chia làm hai trường hợp sau:
– Khung hình phạt cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng được quy định tại khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với những trường hợp:
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
+ Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi đánh bạc trái phép còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Có thể thấy, nếu một người đánh bạc trái phép với giá trị tài sản đánh bạc là từ 5.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu đánh bạc với giá trị tài sản là dưới 5.000.000 đồng thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính, với mức phạt được quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình:
“1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
- b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
- c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác”.
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự cũng đưa ra một ngoại lệ: không phải tất cả mọi trường hợp đánh bạc lần đầu dưới 5.000.000 đồng đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; mà với những đối tượng mặc dù đánh bạc lần đầu nhưng trước đó đã bị xử lý bằng một trong hai hình thức: xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; đã bị kết án về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc chưa được xóa án tích, nay vẫn vi phạm thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.
4.2. Tội đánh bạc sử dụng công nghệ cao
Theo quy định tại Công văn 196/TANDTC-PC ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng điểm c khoản 2 Điều 321 (Tội Đánh bạc) và điểm c khoản 2 Điều 322 (Tội Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) của Bộ luật Hình sự thì:
– Tình tiết “sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” trong tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc được hiểu là sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành các chiếu bạc online…);
– Việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (nhắn tin qua điện thoại, email, zalo… để ghi số đề, lô tô) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp nêu trên.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì phạm tội thuộc trường hợp sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn quy định về hình thức phạt bổ sung đối với tội đánh bạc như sau: người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo đó, tội đánh bạc sử dụng công nghệ cao sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Ngoài ra còn sẽ bị phạt tiền với hình thức phạt bổ sung từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
5.Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
– Công văn 196/TANDTC-PC ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng điểm c khoản 2 Điều 321 (Tội Đánh bạc) và điểm c khoản 2 Điều 322 (Tội Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) của Bộ luật Hình sự;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.