Các chuyên gia đánh giá tại Hội nghị về xây dựng hình ảnh doanh nghiệp gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức ngày 29/12 tại Hà Nội.
Doanh nghiệp Việt còn lơ là
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, ông Lê Ninh Giang – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho biết, quản trị thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường lợi thế của doanh nghiệp (DN), nâng cao uy tín và tạo ra giá trị của DN trên thương trường.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Huy Anh – Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), sở hữu trí tuệ có vai trò then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhất là bảo hộ độc quyền sáng chế chính là cơ chế hợp pháp để tạo ra độc quyền, thông qua đó giúp DN tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Do đó, các DN đa quốc gia đều vô cùng chú trọng đầu tư cho vấn đề quản trị thương hiệu, đăng kí bảo hộ độc quyền tài sản trí tuệ của DN. Ở nước ta, cho đến nay, chỉ số ít DN lớn như FPT, Viettel, Viglacera…có bộ phận đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế. Còn lại rất nhiều DN, trong đó đa số là DNNVV chỉ tập trung vào hình thành DN, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ hoặc ngại đăng ký.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, không nắm được tầm quan trọng của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, dẫn đến “thờ ơ” với việc đăng ký sở hữu trí tuệ…
Thống kê cho thấy, hiện chỉ 18% DNNVV hiểu đúng về sở hữu trí tuệ và chỉ có 6% DNNVV có bộ phận thực thi về SHTT. Thậm chí, rất nhiều DN chưa liệt kê được tài sản thuộc sở hữu trí tuệ.
Thực tế cho thấy, nhiều DN Việt xây dựng được thương hiệu của mình ở thị trường trong nước, song tại “vô danh” ở thị trường quốc tế. Thậm chí, có trường hợp bị doanh nghiệp nước ngoài “cướp” thương hiệu, gây thiệt hại rất lớn. Điển hình như trường hợp chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho nước mắm bị đăng ký làm nhãn hiệu ở nhiều nước; Vinataba mất thương hiệu tại ở nhiều lãnh thổ, võng xếp Duy Lợi bị mất sáng chế kiểu dáng công nghiệp ở Nhật Bản…
Cần bảo hộ thương hiệu để nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy gia tăng thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, nếu không quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, DN sẽ tự đánh mất đi nhiều cơ hội phát triển. Đã đến lúc, DN Việt cần có chiến lược đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế để bảo vệ thương hiệu của mình cũng như nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế.
“Không chú trọng đầu tư thích đáng cho bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, DN Việt sẽ mất cơ hội xuất khẩu và mở rộng thị trường từ các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP…Thậm chí DN sẽ phải đối mặt với rủi ro về pháp lý, thiệt hại về tài chính”, Luật sư Lê Quang Vinh – Công ty Luật Bross và cộng sự cho biết.
Theo đó, đại diện Công ty Luật Bross và cộng sự cho rằng, để không bị mất thương hiệu và nhãn hiệu của mình, DN cần chủ động rà soát và đăng ký sớm quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường nước ngoài. Trong trường hợp phát hiện bị mất quyền sở hữu trí tuệ, DN cần nhanh chóng nghiên cứu thu thập chứng cứ, nộp đơn phản đối, hủy bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực quyền sở hữu trí tuệ…
Ngoài ra, chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các chuyên gia cho rằng, DN nên xem xét các yếu tố cơ bản như: chi phí, thời gian, số lượng, quốc gia đăng ký…Lưu ý, DN cần tìm hiểu kĩ trước khi lựa chọn quốc gia và cách thức đăng ký nhãn hiệu nhằm tiết kiệm về thời gian, chi phí, công sức mà vẫn đảm bảo hiệu quả./.