Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, nhưng số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp vẫn tăng so với năm trước.
Trong năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 125.689 đơn các loại (tăng 4,1% so với năm 2019). Trong số đó có 76.720 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp về đơn sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quốc gia và nhãn hiệu quốc tế; chỉ dẫn địa lý; và đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam. Bên cạnh đó còn có 48.969 đơn, yêu cầu khác như sửa đổi đơn, chuyển nhượng đơn, cấp lại văn bằng bảo hộ, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ…
Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, nhưng số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp vẫn tăng nhẹ so với năm 2019 (trung bình 1,3% so với năm 2019), trong đó đơn sáng chế tăng 3,1%, đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 3,3%, đặc biệt là đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 22 đơn, tăng 57%.
Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu, rộng, toàn diện như hiện nay. Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh và hoàn thiện là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào, đó là một đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc
Trong khi số lượng đơn đăng ký sáng chế (bao gồm cả giải pháp hữu ích) của các tổ chức, cá nhân nước ngoài giảm 2% thì số lượng đơn đăng ký sáng chế của các tổ chức, cá nhân Việt Nam tăng 35% (1.505 đơn đăng ký sáng chế năm 2020 so với 1.115 đơn năm 2019). Cục Sở hữu trí tuệ nhận định, điều này chứng tỏ nhu cầu và nhận thức về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân trong nước đã có sự gia tăng đáng kể.
Tại Hội nghị về sở hữu trí tuệ vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, Cục đã xử lý được 113.476 đơn các loại; trong đó, có 71.829 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019)
Cục đã cấp 48.072 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 18,1% so với năm 2019), bao gồm 4.597 bằng độc quyền sáng chế – giải pháp hữu ích; 2.066 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; 33.700 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quốc gia; 7.688 đăng ký quốc tế nhãn hiệu và 21 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, Cục Sở hữu trí tuệ đã quan tâm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 275 đặc sản địa phương.
Cụ thể, đã cấp 256 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 19 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của địa phương; 1.148 sản phẩm OCOP được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ như cam sành Hàm Yên, dầu tràm Huế, tôm hùm bông Phú Yên, yến sào Cù Lao Chàm Hội An, quế Trà Bồng…
Theo vneconomy.vn