-
Mục đích của việc đăng ký nhãn hiệu
Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ cũng cần quan tâm đến việc bảo hộ nhãn hiệu vì lí do sau đây:
Trước hết, nhãn hiệu là chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của một công ty. Khách hàng, người tiêu dùng sẽ nhận diện doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp thông qua nhãn hiệu. Chính vì vậy việc xây dựng hình ảnh tốt và uy tín về doanh nghiệp, sản phẩm sẽ tạo được thiện cảm với khách hàng, người tiêu dùng, từ đó cải thiện khả năng thu hút và nâng cao tính nhận diện. Nhãn hiệu chính là một công cụ hiệu quả để nhận biết, phân biệt, so sánh và khẳng định thương hiệu của một doanh ngiệp sở hữu nhãn hiệu đó. Biết được vai trò của nhãn hiệu và những lợi ích mà nhãn hiệu mang lại, có thể thấy việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là hoàn toàn cần thiết. Các doanh nghiệp sẽ có khả năng bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, tránh được các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của những đối thủ cạnh tranh hoặc những bên có ý đồ xấu. Ngoài ra, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nói riêng còn được xem như một yếu tố quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư vào hoạt động nghiên cứu – triển khai, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp. Những nghiên cứu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã chỉ ra rằng quan hệ giữa khía cạnh sở hữu trí tuệ với đầu tư trực tiếp ngoài và nhập khẩu vừa tích cực vừa có ý nghĩa, và kết quả chứng minh rằng tải sản sở hữu trí tuệ có thể mang lại một số lợi ích quốc gia cho các nước đang phát triển.
-
Hướng dẫn soạn thảo đơn đăng ký nhãn hiệu
Thứ nhất, yêu cầu về tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ.
Các tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ trong đơn đăng ký phải bao gồm: mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu và quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận là hai loại nhãn hiệu đặc thù. Bởi nhãn hiệu tập thể thì chủ sở hữu bao gồm các thành viên của tổ chức đó còn nhãn hiệu chứng nhận thì chủ sở hữu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng. Vì có nhiều người cùng sử dụng nhãn hiệu đó nên để quản lý chặt chẽ cần thiết phải có quy chế sử dụng đi kèm trong đơn đăng ký nhãn hiệu.
Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể phải bao gồm các nội dung sau:
– Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
– Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
– Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
– Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
– Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.
Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có các nội dung:
- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;
- Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;
- Các đặc tính của hàng hoá, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;
- Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;
- Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.
Thứ hai, mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Mẫu nhãn hiệu trong đơn đăng ký phải được mô tả một cách chính xác và rõ ràng, để đảm bảo cho việc có thể phân biệt tổ chức cá nhân này với tổ chức cá nhân khác thông qua nhãn hiệu.
Cuối cùng, hàng hoá, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.
Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/12/2007 Hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp quy định một trong những yêu cầu đối với Tờ khai đăng ký nhãn hiệu là “Danh mục các hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu” trong tờ khai phải được phân nhóm phù hợp với Bảng phân loại quốc tế các hàng hoá, dịch vụ theo Thoả ước Nice được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.