Hiện nay có rất nhiều nhà nông đưa ra những sáng chế hữu ích, có tính ứng dụng cao. Tuy nhiên vấn đề nhức nhối đặt ra đó là việc đăng ký bản quyền sáng chế vẫn gặp nhiều khó khăn. PGS-TS. Mai Hà – Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cũng đã chia sẻ về những trăn trở này.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nhằm bảo đảm cho người sáng tạo có thể khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm sáng tạo của mình, bù đắp công sức sáng tạo, đồng thời công bố sản phẩm trí tuệ cho toàn xã hội biết để chia sẻ, tiết kiệm chi phí nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tế triển khai xác lập quyền SHTT trong việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích thời gian qua còn khó khăn, cần được quan tâm tháo gỡ.
Hiện nay, trên cả nước đã có hơn 30.000 văn bằng, bảo hộ các sản phẩm sáng chế, giải pháp hữu ích cho các tác giả. Một trong số những nhà sáng chế tích cực là của những người nông dân. Tuy nhiên, có một số ít những nhà sáng chế nông dân chưa có nhiều thông tin về đăng ký bản quyền, thậm chí họ còn khá lạ lẫm.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Mai Hà – Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Khoa học Công nghệ cho biết:
“Hiện nay, có rất nhiều sáng chế được tạo ra bởi những người nông dân. Điều đó cho thấy, sức sáng tạo của con người là vô tận. Thế mạnh của những nhà sáng chế nông dân ấy chính là sự đam mê, kiên trì học hỏi, nghiên cứu kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn để tạo ra những sáng tạo phục vụ có ích cho quá trình sản xuất. Bên cạnh số ít những sáng chế thật sự có ý nghĩa, đa số sáng tạo (gần sáng chế) của những người nông dân chính là thiếu cơ sở lý luận, cơ sở khoa học để giải quyết những khúc mắc đặt ra trong quá trình hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu của mình”.
Có thể thấy, câu chuyện của người nông dân thường bắt đầu từ sáng kiến, sáng tạo, sáng chế và sáng chế có tính ứng dụng cao.
PGS.TS. Mai Hà đã chia sẻ những điều gần như nguyên lý như sau: “Ở bất kỳ đâu có môi trường cạnh tranh lành mạnh, thì ở đó tất cả các sáng kiến, sáng tạo, sáng chế và sáng chế có tính ứng dụng cao đều được trân trọng và chắc chắn sẽ được đầu tư để ứng dụng vào thực tế, nếu không từ nguồn của Nhà nước thì sẽ có từ nguồn đầu tư của các doanh nghiệp.
Môi trường cạnh tranh lành mạnh có thể được thiết lập ở quy mô quốc gia, quy mô doanh nghiệp…, hoàn toàn phụ thuộc vào trí tuệ của người đứng đầu đất nước hoặc đứng đầu doanh nghiệp. Khi người đứng đầu không hiểu, hoặc không biết làm thế nào để có được môi trường cạnh tranh lành mạnh thì nên nghiêm túc hội nhập quốc tế, (tức là đi cùng đám đông thông minh) thì sẽ hình thành được môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Từ sáng kiến trở thành sáng tạo, rồi sáng tạo phải đăng ký để có được sáng chế hoặc giải pháp hữu ích và trong các sáng chế ta lựa chọn/khoanh lại những sáng chế có tính ứng dụng cao. Những sáng chế có tính ứng dụng cao tức là những sáng chế đã khẳng định được quyền sở hữu trí tuệ và tính ưu việt trong cạnh tranh thì luôn có sức hút của thị trường trong nước và quốc tế.
Nếu thị trường nội địa chưa hiểu, hay chưa có nhu cầu, thì thị trường quốc tế sẽ quan tâm ứng dụng. Những quốc gia đã hình thành được môi trường cạnh tranh lành mạnh (thực ra đây chính là kinh tế thị trường) và với những nhà lãnh đạo thông minh, người ta sẽ làm những bước cao hơn, đó là hỗ trợ, ươm tạo những sáng tạo để có thể hình thành nên những sáng chế có tính ứng dụng cao”.
Quay trở lại việc các nhà sáng chế nông dân gặp khó khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, theo ông Mai Hà, một mặt các nhà sáng chế nông dân ấy cần phải tự học hỏi, nâng cao trình độ trong lĩnh vực mà mình đam mê nghiên cứu hoặc có thể nhờ hỗ trợ từ các chuyên gia, các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực.
Mặt khác, Nhà nước cần hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh thực sự. Chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ việc đào tạo, phổ biến thông tin, hỗ trợ đăng ký sáng chế, kết hợp có hiệu quả hoạt động giữa các nhà khoa học với những người trực tiếp sản xuất, giữa những nhà sáng chế với các doanh nghiệp thì mới có khả năng thúc đấy nền kinh tế phát triển.
Hương Mi