Theo thông báo từ Bộ Thông tin và truyền thông đã hạn là 31/3/2023 là ngày cuối cùng để khách hàng thực hiện chuẩn hóa thông tin. Điều đó nghĩa là sau 31/3/2023 nếu khách hàng dùng sim sai thông tin chuẩn hóa của Bộ Công An và Bộ TT&TT thì sẽ bị khóa sim. Đây là bước quyết liệt của Bộ TT&TT trong việc chấm dứt tình trạng sim lừa đảo, sim rác hiện nay. Tuy nhiên theo chân Luật sư WINCO để tìm hiểu về vấn đề này thì thực tế cho thấy tuyên bố của Bộ TT&TT có thể sẽ không thể thành hiện thực.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, ngày 31/3 là hạn cuối cùng để khách hàng thực hiện chuẩn hóa thông tin, nếu sau thời điểm này khách hàng chưa chuẩn hóa sẽ bị khóa thuê bao. Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải thực hiện nghiêm túc về vấn đề này.
Trong bài viết “Gần 2 triệu thuê bao di động có nguy cơ bị khóa sau ngày 31/3” của báo dân trí cũng trích dẫn của ông Nguyễn Phong Nhã Phó cục trưởng cục Viễn thông rằng: “Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là công việc cần làm thường xuyên của các doanh nghiệp viễn thông. Sau đợt này, quá trình đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư của nhà mạng vẫn sẽ tiếp tục. Những thuê bao có thông tin chưa đúng quy định sẽ tiếp tục được đề nghị chuẩn hóa”
Tuy nhiên theo chia sẻ từ các nhà mạng, khó khăn lớn nhất hiện nay của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam là số lượng thuê bao cần chuẩn hóa thông tin quá lớn. Trong khi đó, việc thông báo và liên hệ với khách hàng chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Chúng tôi đã đóng vai người cần chuẩn hóa thông tin cá nhân đến các điểm giao dịch của nhà mạng để tìm hiểu. Vào sáng ngày 30/3 tại điểm giao dịch khách hàng Vinaphone tại đường Nguyễn Chí Thanh khá vắng khách, khi được hỏi về việc chuẩn hóa thông tin cá nhân, một giao dịch viên cho biết chưa thấy nhiều người hỏi về vấn đề này, đa số người tìm đến là những người có thông tin cá nhân sai khi tra cứu bằng lệnh gửi tin nhắn TTTB tới đầu số 1414. Tuy nhiên thông tin gửi về từ đầu số 1414- Một đầu số chung do Bộ TT&TT quản lý thống nhất thông tin thuê bao thì thuê bao tôi đang dùng thuộc về 1 người rất lạ mặc dù bản thân đã nhiều lần ra nhà mạng để cập nhật thông tin thuê bao nhưng khi tra cứu trên 1414 thì vẫn thuộc về 1 người lạ. Khi hỏi thông tin thì giao dịch viên cho biết Thông tin giữa đầu số 1414 và thông tin cập nhật của nhà mạng khác nhau nhiều, và thực tế thì sim vẫn do tôi đứng tên chính chủ, nhưng giấy tờ đứng tên lại là hộ chiếu cấp và hết hạn năm 2008. Nhưng khi yêu cầu giao dịch viên hỗ trợ thì bị từ chối yêu cầu phải mang đúng Hộ chiếu cũ ra mới có thể cập nhật thông tin. Việc này thực sự rất khó với những ai dùng giấy tờ cũ như CMND và Hộ chiếu cũ.
Tại điểm giao dịch của Mobifone ngay bên cạnh, khi được hỏi về số Điện thoại đứng tên công ty nhưng lại có giấy tờ là Căn cước cá nhân thì nhà mạng từ chối trả lời. Nhà mạng yêu cầu phải cung cấp cả căn cước cá nhân và giấy giới thiệu có đóng dấu đỏ của công ty để cập nhật lại dữ liệu. Khi cho biết nhân viên cũ dùng căn cước đó hiện không còn làm việc với công ty nên chỉ có thể dùng giấy giới thiệu công ty để xin cập nhật dữ liệu nhưng vẫn bị từ chối.
Khi ra 1 điểm giao dịch của Viettel cũng trên đường Nguyễn Chí Thanh thì tình hình có vẻ khả quan hơn. Có lẽ nhà mạng này có điểm giao dịch với số người đến làm thủ tục từ sáng sớm đông nhất và làm việc tích cực nhất. Khi được hỏi về số điện thoại của Chị tôi nhưng giấy tờ đứng tên Anh hai trong nhà và giấy tờ đã cũ. Nhà mạng Viettel trả lời hiện không cần quá lo về việc chuẩn hóa này, chỉ cần thuê bao thường có cuộc gọi đến và đi, số CMND còn hạn thì sẽ không bị khóa thuê bao. Giao dịch của nhà mạng này cũng nói việc “chuẩn hóa thông tin” chỉ là “dọa” của Bộ TT&TT vì thực tế chưa có sự truy cập chính thức vào dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công An cho nên nhà mạng cũng không thể biết chính xác thông tin nào là sai. Ngoài ra nhà mạng Viettel cũng có 1 điểm cộng là cho phép update thông tin trên website bằng cách chụp hình cá nhân và căn cước 2 mặt sau đó sẽ hậu kiểm sau.
Cũng trong vai 1 khách hàng của Gmobile đến điểm giao dịch tại đường Lạc Long Quân thì điểm giao dịch đóng cửa. Trang web Gmobile.vn thì đã bị ngưng hoạt động từ lâu. Ngoài ra nhà mạng này cũng đã tồn tại trong tình trạng hấp hối tới 5 năm nhưng vẫn chưa được cho “chết” theo đúng nghĩa. Tức là thuê bao Gmobile hiện nay không có sóng di động trên toàn quốc và một số ít điểm thì dùng chung sóng với Vinaphone nhưng cũng không còn hoạt động. Cách duy nhất để 1 thuê bao Gmobile 099 hoạt động là forward cuộc gọi bằng lệnh **21*SoThueBaoChuyenCuocgoi# để mỗi khi gọi tới thuê bao thì cuộc gọi được chuyển hướng sang 1 thuê bao mạng khác đang hoạt động. Tình trạng của Gmobile rõ ràng là xâm phạm quyền lợi của khách hàng khi không cung cấp dịch vụ đúng như cam kết ban đầu. Nhưng khó hiểu là Bộ TT&TT không có động thái gì với nhà mạng này dù tình trạng “không cung cấp dịch vụ nhưng vẫn cho tồn tại” đã diễn ra cả chục năm nay.
Nhà mạng Vietnamobile thì tình trạng cũng không khả quan hơn khi tìm hàng chục điểm giao dịch thì đều báo đã đóng cửa hoặc báo đã chuyển đi trên google maps.
So sánh cách phục vụ việc chuẩn hóa thông tin của 3 nhà mạng lớn thì có thể nói nhà mạng Vinaphone vẫn lúng túng và thiếu linh hoạt. Hiện đã tới 30/3/2023 nhưng số khách hàng tới xin chuẩn hóa thông tin của nhà mạng này khá ít và cách giải quyết cũng thiếu linh hoạt. Với tình trạng tới 2 triệu thuê bao bị khóa số sau 31/3 nếu đúng như tuyên bố của Bộ TT&TT thì khả năng các điểm Chăm sóc khách hàng của 2 nhà mạng này sẽ vỡ trận khi hàng ngàn người ồ ạt tới xin chuẩn hóa thuê bao khi bị khóa sim.
Với số lượng thuê bao khổng lồ còn chưa chuẩn hóa như trên, một số thông tin cho rằng thời gian khóa thuê bao có thể sẽ được lùi lại. Phó cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định rằng đúng hạn sau ngày 31/3 sẽ phải khóa một chiều đối với những thuê bao không đáp ứng đúng quy định chuẩn hóa thông tin.
Theo quy định, sau ngày 31/3, nếu khách hàng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa, các nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ một chiều và tiếp tục gửi tin nhắn thông báo tới chủ thuê bao.
Đến ngày 15/4, sẽ tiếp tục khóa dịch vụ 2 chiều cho các thuê bao chưa đáp ứng yêu cầu và sẽ thực hiện thu hồi số thuê bao từ ngày 15/5 nếu khách hàng vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại thông tin kịp thời.
Quy định này nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng các dịch vụ viễn thông, đồng thời hạn chế tình trạng SIM rác trên thị trường. Người dùng hoàn toàn có thể thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao tại nhà thông qua mạng Internet, hoặc liên hệ với tổng đài thông qua đường dây nóng của mỗi nhà mạng để được hướng dẫn cụ thể.
Dưới đây là các biện pháp kiểm tra và update tình trạng thông tin thuê bao chính chủ của sim trong trường hợp điểm giao dịch quá tải:
- Kiểm tra thông tin thuê bao bằng lệnh GỬI SMS nội dung là “TTTB” gửi tới đầu số 1414: cho tất cả nhà mạng
- Với nhà mạng Viettel: tới các điểm giao dịch hoặc tải phần mềm My Viettel để khai báo thông tin thuê bao.
- Với nhà mạng Vinaphone: có thể tải phần mềm MY VNPT để kiểm tra số thông tin thuê bao.
- Với nhà mạng MOBIFONE: Truy cập trang tttb.mobifone.vn nhập số thuê bao cần update, bấm cập nhật thông tin và làm theo hướng dẫn. Hệ thống sẽ gửi mã từ số 999 về số thuê bao đã nhập. Sau đó tải ảnh chụp chân dung và ảnh chụp căn cước 2 mặt lên theo hướng dẫn.
- Mạng Gmobile: ra điểm giao dịch trên đường Lạc Long Quân- Tây Hồ Hà nội.
- Mạng Vietnamoble: vào trang web: https://www.vietnamobile.com.vn/tracuutttb và làm theo hướng dẫn để tra cứu.