Khi nhắc đến hoạt động sáng tạo, chúng ta thường liên tưởng đến các nhà khoa học chuyên nghiệp – những người được đào tạo bài bản và hoạt động trong các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp hoặc tổ chức nghiên cứu có đầy đủ điều kiện. Tuy nhiên, chúng ta đã bỏ quên một lực lượng các nhà sáng chế không chuyên. Họ là đội ngũ những người làm nông thuần túy, những thợ thủ công, những người này không có bằng cấp, thậm chí có người chỉ đủ biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, chính vì là những người lao động trực tiếp nên họ là người hiểu rõ nhất những khó khăn, rào cản của nghề, nên rất nhiều sáng chế, sáng kiến của họ đã đem lại lợi ích to lớn để phục vụ công việc của bản thân, cũng như phục vụ cho cộng đồng và xã hội.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, cả nước có đến 781 sáng chế, sáng kiến được phát hiện và ghi nhận thông qua các cuộc thi khác nhau từ cấp trung ương đến cấp địa phương. Rất nhiều sáng chế, sáng kiến có tính khả thi và tính ứng dụng ngay vào sản xuất với mục đích giải phóng sức lao động truyền thống, nâng cao hiệu quả, nâng cao năng suất. Trong những sáng chế này có thể kể đến sáng chế tiêu biểu “Máy gieo hạt tự động” của nhà sáng chế Phạm Văn Hát (Hải Dương). Sáng chế này cho phép việc đặt hạt được thực hiện chính xác theo cự ly đã định sẵn, có thể thay thế phần việc của 40 người. Nhà sáng chế Tạ Đình Huy cũng đã sáng chế ra “Máy làm nông nghiệp đa năng”, bao gồm 15 chức năng như cày, bừa, phay đất, làm cỏ vườn, tạo luống, tạo hàng để gieo hạt, tời kéo nông, lâm sản, đảo phân vi sinh, xẻ rãnh thoát nước, đào hố trồng cây, máy phát điện, kéo rơ-mooc trong nhà vườn trang trại, đào bồn cà phê, phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiêu, bơm. Sáng chế này đã đem lại vị thế của ông Huy trong thị trường nội địa. Cho đến nay, cơ sở của ông đã sản xuất được hơn 1000 máy, giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân. Giàn máy kết hợp 4 tính năng rọc rãnh, bỏ hạt, lấp rãnh, bón phân lót của Nhà sáng chế Phạm Văn Hùng ở Tây Ninh cũng đã giải quyết được khó khăn về nhân công, giảm thiểu tối đa tổn thương hạt giống, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cơ giới hóa cho diện tích gieo trồng lớn.
Ngoài những sáng chế tiêu biểu trên, còn rất nhiều sáng chế khác của những nhà sáng chế không chuyên như Máy tách hạt bắp của nhà sáng chế Lê Văn Thành tại Bình Định, máy ép dầu phụng bằng thủy lực của nhà sáng chế Lê Hữu Minh tại Thừa Thiên Huế, máy cày siêu nhẹ của nhà sáng chế Nguyễn Văn Rô tại Cà Mau, máy chuyên tuốt hạt vừng, rau đay, rau muống của nhà sáng chế Nguyễn Thanh Hùng tại Đồng Tháp…
Có thể thấy, những nhà sáng chế không chuyên đã vô cùng nỗ lực trong việc tạo ra các sản phẩm giúp nâng cao hiệu quả, năng suất, nâng cao lợi ích cho cộng đồng. Nhận thức được nhứng tác dụng tích cực mà những sáng chế này đem lại cho kinh tế-xã hội của đất nước, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2012/NĐ-Cp, Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN về hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ sáng kiến. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sáng kiến, sáng chế sao cho phù hợp với tình hình của địa phương.
Tuy nhiên, những cơ chế, chính sách hiện có là chưa đủ, chúng ta rất cần những chính sách, cơ chế đồng bộ hơn nữa từ cấp trung ương đến cấp địa phương. Trước tiên cần có một số chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng chế không chuyên nhằm thương mại hóa sản phẩm. Một số giải pháp có thể kể đến bao gồm: giới thiệu tham gia hội chợ, các sự kiện Khoa học và Công nghệ; hướng dẫn thủ tục, đăng ký bảo hộ sáng chế; tôn vinh trên phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau. Các cơ chế mang tính lâu dài, bền vững bao gồm việc tài trợ, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để các nhà sáng chế không chuyên có thể tiếp tục công tác nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cao công nghệ, mở rộng mô hình, vay vón ngân hàng để mở rộng sản xuất.
Nếu nhận được sự quan tâm đúng mức của nhà nước, của các cấp chính quyền thì lực lượng các nhà sáng chế không chuyên sẽ tiếp tục có những sáng kiến, giải pháp hữu ích. Những sáng chế này sẽ góp phần giải phóng mạnh mẽ sức lao động của người dân, đẩy mạnh năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của quốc gia.