Kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019, Luật sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019, chính thức có hiệu lực thi hành với những điểm nổi bật sau:
1. Chấm dứt hiệu lực đối với nhãn hiệu không được sử dụng liên tục 5 năm
Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu. Việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu.
Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ 5 năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực.
2. Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu (“Hợp đồng li-xăng”) không phải đăng ký với cơ quan nhà nước
Kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2019, hợp đồng li-xăng giữa các bên không cần phải đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ mà vẫn sẽ có hiệu lực pháp lý đối với bên thứ ba.
Cụ thể, trừ hợp đồng sử dụng nhãn hiệu, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được xác lập theo quy định pháp luật, phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mới có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba.
Đối với các hợp đồng sử dụng nhãn hiệu đã ký kết giữa các bên nhưng chưa được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trước ngày 14 tháng 01 năm 2019 chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.
3. Thay đổi tiêu chí xác lập quyền sở hữu công nghiệp với chỉ dẫn địa lý
Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập:
- Trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ; hoặc
- Trên cơ sở điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (thay vì như trước đây, phải được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên).
4. Kéo dài thời gian nộp đơn đăng ký sáng chế không bị coi là mất tính mới từ 6 tháng lên 12 tháng
Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp tại Việt Nam trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được bộc lộ bởi:
- Người có quyền đăng ký theo quy định pháp luật; hoặc
- Người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có quyền đăng ký.
Quy định mới đã kéo dài thời gian nộp đơn đăng ký sáng chế không bị coi là mất tính mới từ 6 tháng lên 12 tháng và quy định phạm vi đối tượng nộp đơn đăng ký rộng hơn so với quy định cũ của Luật Sở hữu trí tuệ.