THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ——– |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 932/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
THÀNH LẬP TỔ CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Tổ công tác), gồm các thành viên sau đây:
- Tổ trưởng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
- Tổ phó:
– Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – Tổ phó thường trực;
– Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
– Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
– Lãnh đạo Bộ Công an là Tổ phó thường trực Tổ công tác triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
- Các thành viên là lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Lao động – Thương binh và Xã hội và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ – Ủy viên thường trực.
Điều 2. Chức năng của Tổ công tác
Tổ công tác là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ công tác
- Nhiệm vụ của Tổ công tác
- a) Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- b) Kịp thời nắm bắt, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các báo cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân (bao gồm cả những quy định dự kiến ban hành trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật); định kỳ hoặc đột xuất làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức liên quan để lắng nghe, nhận diện các khó khăn, vướng mắc và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.
- c) Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương.
- d) Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.
- Quyền hạn của Tổ công tác
- a) Mời lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cá nhân, tổ chức liên quan để làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
- b) Tổ chức các đoàn làm việc, đôn đốc thúc đẩy triển khai việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương.
- c) Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo, cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện và giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.
- d) Các quyền hạn khác được Thủ tướng Chính phủ giao.
Điều 4. Nguyên tắc, chế độ làm việc của Tổ công tác
- Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quyết định này. Tổ trưởng Tổ công tác ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác.
- Các thành viên Tổ công tác thực hiện theo Quy chế hoạt động của Tổ công tác, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm về phần việc được Tổ trưởng Tổ công tác phân công; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, giải quyết công việc của Tổ công tác; sử dụng bộ máy của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.
- Tổ trưởng Tổ công tác được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ và điều hành hoạt động của Tổ công tác; Tổ phó và các thành viên Tổ công tác được sử dụng con dấu của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.
- Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực Tổ công tác, sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Tổ công tác giao; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thành viên Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; định kỳ hằng năm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính.
Điều 5. Kinh phí hoạt động của Tổ công tác
Kinh phí cho hoạt động của Tổ công tác do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Văn phòng Chính phủ phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 6. Điều khoản thi hành
- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
- Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan và các thành viên quy định tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG Phạm Minh Chính |