Thời gian qua, nhiều nhiếp ảnh gia đã rất bức xúc vì ảnh của họ bị chép thành tranh mà chưa được sự cho phép. Điều này cho thấy vấn nạn vi phạm bản quyền đang ngày càng tinh vi.
Vụ việc gây lùm xùm nhất thời gian qua là việc Hoa hậu Khánh Vân phóng tác ảnh thành tranh cổ động chống dịch mà quên xin tác giả, nhầm hình em bé đi cách ly là người nhiễm nCoV.
Cụ thể, nhà báo Lưu Trọng Đạt – tác giả bức ảnh bác sĩ, chiến sĩ bế em bé đi cách ly – cho biết trên mạng xã hội: “Cô ấy đã nói sai thông tin về bối cảnh ra đời bức ảnh này và cũng chưa liên hệ xin phép tôi quyền sử dụng. Những em bé được bế không nhiễm nCoV. Là hoa hậu, cô ấy càng phải thận trọng về phát ngôn và hành động”.
Ngay sau đó, Khánh Vân xin lỗi tác giả. Cô nhận thiếu sót khi vi phạm bản quyền, chưa tìm hiểu kỹ câu chuyện về các nhân vật trong bức ảnh gốc. Cô nói: “Rất may anh đã chấp nhận lời xin lỗi, còn hứa đồng hành cùng tôi trong chuyến đi từ thiện sau khi đấu giá tranh thành công. Đây là bài học kinh nghiệm lớn cho tôi”.
Bức ảnh được chụp trong khu vực cách ly thuộc trung đoàn 814 – Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình. Các em bé trong ảnh vẫn khỏe mạnh, theo gia đình từ nước ngoài về Việt Nam, được bác sĩ, chiến sĩ hỗ trợ đưa đi cách ly 14 ngày. Trước đó, hoa hậu đăng tải thông tin: “Tác phẩm được lấy ý tưởng từ hình ảnh các bác sĩ bế em bé mắc nCoV tôi vô tình xem trên mạng. Hình ảnh này mang lại cho tôi những cảm xúc đặc biệt, thôi thúc khiến tôi không thể ngồi yên”.
Có thể thấy, các vụ việc sao chép trái phép từ ảnh thành tranh đã không còn là chuyện mới trong đời sống văn học nghệ thuật.
Trước đó, bức ảnh “Ngày xuân ở Lao Xa” chụp hai đứa trẻ miền sơn cước của nhiếp ảnh gia Lê Bích cũng đã bị một họa sĩ sao chép và chuyển thể trên chất liệu sơn mài. Khi đặt hai tác phẩm cạnh nhau, ai cũng nhận thấy sự giống nhau đến ngỡ ngàng dù một bức là nhiếp ảnh, còn một bức là hội họa.
Nhà nhiếp ảnh Lê Bích đã rất ngỡ ngàng khi tình cờ nhìn thấy bức tranh sơn mài giống với bức ảnh của mình ở trên mạng. Anh chia sẻ, “ Họa sĩ lấy ảnh của tôi và chép lại y hệt thành tranh. Điểm khác nhau duy nhất là ở chất liệu. Tôi thực sự ngạc nhiên với sự dễ dãi này”.
Cách đây vài năm, nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định, người nổi tiếng với các bức ảnh nude đã rất bức xúc khi phát hiện ra công ty XQ Đà Lạt đã chuyển thể các tác phẩm ảnh nude của anh thành… tranh thêu. Sau hồi lùm xùm tính việc thuê luật sư kiện công ty XQ, nhà nhiếp ảnh này cũng đành nhượng bộ với thái độ khẩn khoản của đối tác.
Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm tác quyền không còn diễn ra theo lối tranh ra tranh, mà tinh vi hơn khi chép ảnh ra tranh. Trước hiện tượng này, luật sư Tám Trần ((luật sư bản quyền, công ty IPCom) cho biết, về nguyên tắc, việc vẽ một bức tranh dựa trên một bức ảnh là hành vi làm tác phẩm phái sinh, và đây là hành vi phải được sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm, nếu không đây là hành vi xâm phạm quyền. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì tùy theo mức độ vi phạm mà sẽ có sự xử lý khác nhau, có thể bị xử lý hành chính bởi các cơ quan hành chính hoặc bị xử lý bởi tòa án do sự lựa chọn của người bị xâm phạm, thậm chí có thể bị xử lý hình sự nếu đó là hành vi xâm phạm nghiêm trọng.
Có thể nói, mỗi sản phẩm nghệ thuật được tạo ra mang theo công sức, sự dấn thân và sáng tạo của tác giả, bởi vậy, khi được sử dụng đều cần tuân theo quy định của pháp luật.
Mỗi tác phẩm với mong muốn truyền đi những cảm hứng tốt đẹp tới cộng đồng thì cũng cần xuất phát từ những cách làm chuyên nghiệp và tuân theo quy định của pháp luật. Chỉ có như vậy, những tác phẩm mới vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa.
Luật Winco
tổng hợp từ Internet