Câu hỏi: Tôi là chủ một doanh nghiệp giày tại TPHCM. Trong thời gian tới, doanh nghiệp của tôi muốn phát triển với quy mô rộng hơn vì vậy tôi muốn tìm hiểu thêm về chiến lược Sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với các doanh nghiệp trẻ. Vậy tôi cần làm gì?
Trả lời:
Chào bạn, là chủ của một doanh nghiệp, điều đầu tiên bạn cần hiểu đó là vai trò của SHTT trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Trong hoạt động quản lý doanh nghiệp, việc thực hiện chiến lược SHTT và chiến lược kinh doanh luôn song hành với nhau. Để doanh nghiệp định hướng và xác định được những nội dung then chốt, cốt yếu trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh cũng như chiến lược SHTT, doanh nghiệp cần phải tiến hành những nghiên cứu sâu rộng, toàn diện phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp.
Để SHTT thực sự trở thành một công cụ để nâng cao lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần xác định các thế mạnh và điểm hạn chế của doanh nghiệp so với đối thủ, so sánh sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp với sản phẩm, dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, và những khả năng, cơ hội vượt lên các sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực trên thị trường.
Một trong những tập đoàn lớn luôn chú trọng tới SHTT chính là Tập đoàn công nghệ Apple. Apple ra mắt chiếc điện thoại thông minh đầu tiên sở hữu công nghệ màn hình cảm ứng đa điểm với tên gọi iPhone 2G vào năm 2007. Tại thời điểm đó, iPhone là một bước tiến dài, và với công nghệ vượt trội, thu hút sự chú ý lớn của thị trường và người tiêu dùng. Sau khi ngừng sản xuất điện thoại iPhone 2G, Apple thống kê số lượng iPhone 2G được bán ra trên toàn cầu đạt hơn 6,1 triệu chiếc, tạo ra guồn lợi nhuận khổng lồ cho thế lực công nghệ Apple và cũng là khởi đầu cho một trong những công ty có giá trị vốn hóa vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD. Sự xuất hiện của điện thoại iPhone 2G đã giúp Apple vượt lên và bỏ xa nhiều đối thủ cạnh tranh trong thời điểm bấy giờ như Nokia, Blackberry…, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho điện thoại iPhone cũng như các sản phẩm công nghệ khác của Apple trong thời gian rất dài.
Tập đoàn công nghệ Microsoft cũng là một trong những tập đoàn đề cao tới chiến lược SHTT. Tập đoàn này ra mắt hệ điều hành Windows và bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office vào những năm 1980. Tại thời điểm đó, Windows và Microsoft Office là những sản phẩm tin học đột phá với giao diện thân thiện, dễ sử dụng cho người sử dụng phổ thông. Đây chính là những sản phẩm công nghệ đầy sáng tạo giúp Microsoft bước lên vị trí độc tôn của mình trong lĩnh vực công nghệ máy tính. Đến nay, Windows và Microsoft Office vẫn là hệ điều hành và bộ ứng dụng văn phòng phổ biến nhất được cài đăt trong các máy tính trên toàn thế giới.
Như vậy, để bảo vệ tối đa tài sản SHTT trong phạm vi nguồn lực giới hạn, ngăn ngừa các hành vi có thể gây tổn hại đến tài sản SHTT cũng như khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp cần nhận diện được sản phẩm, dịch vụ của đối thủ trên thị trường, cũng như nhận diện được các nhãn hiệu, giải pháp kỹ thuật trên thị trường gần giống với nhãn hiệu và sáng chế, cũng như các tài sản SHTT khác của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng nên rà soát, phân tích và đánh giá một cách có hệ thống những đối thủ có đăng ký, sử dụng nhãn hiệu hàng hóa hoặc các đối tượng khác có khả năng xâm phạm đến quyền SHTT của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có một cái nhìn tổng thể về tình trạng xâm phạm quyền SHTT của mình, từ đó cân nhắc nguồn lực và xây dựng các chiến lược, kế hoạch hợp lý và hiệu quả để xử lý các hành vi xâm phạm, loại bỏ các sản phẩm cạnh tranh không lành mạnh, củng cố vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
LSVN