Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhãn hiệu hàng hóa là một “tài sản vô hình” của doanh nghiệp, khi chậm trễ đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp dễ có nguy cơ bị mất hoặc bị làm giả thương hiệu, nhất là khi doanh nghiệp đó ngày càng phát triển, sản phẩm được ưa chuộng.
* Chậm đăng ký, dễ mất bản quyền
Trong quá trình hội nhập, việc doanh nghiệp có thể bị đánh cắp, làm giả nhãn hiệu hàng hóa hay đơn giản là bị công ty, đơn vị khác “nhanh chân” đăng ký trước bản quyền thương hiệu ở các thị trường tiềm năng diễn ra khá thường xuyên. Các sản phẩm, thương hiệu của một doanh nghiệp có chất lượng và nổi tiếng trên thị trường quốc tế, sản phẩm có giá trị có nguy cơ bị “xâm hại” trên thị trường.
Mới đây nhất là câu chuyện về việc thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam đang có nguy cơ bị mất vì một số doanh nghiệp tại Mỹ đang xúc tiến đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ. ST25 là giống gạo Việt Nam được vinh danh “gạo ngon nhất thế giới năm 2019”, do kỹ sư, anh hùng lao động Hồ Quang Cua nghiên cứu và lai tạo. Đến năm 2020, gạo ST25 tiếp tục được đoạt giải nhì trong cuộc thi World’s Best Rice.
Hiện có 4 doanh nghiệp tại Mỹ đang chờ được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở thị trường Mỹ. Dù 4 đơn vị kia vẫn trong thời gian chờ xét duyệt, phía Mỹ chưa cấp giấy phép thương hiệu, tuy nhiên, nguy cơ “mất” thương hiệu gạo này trên thị trường Mỹ, cũng như các thị trường khác vẫn hiện hữu nếu việc đăng ký bản quyền bảo hộ thương hiệu chậm trễ…
Trước đó, những năm qua, đã có nhiều thương hiệu Việt Nam nổi tiếng như: nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, kẹo dừa Bến Tre… từng bị doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nhãn hiệu ở một số thị trường xuất khẩu, song chỉ có một số ít doanh nghiệp thành công trong việc đòi lại nhãn hiệu nhưng thường rất tốn kém, gian nan, thậm chí có trường hợp phải chịu mất trắng thương hiệu.
Tại Đồng Nai, những năm gần đây, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa đang ngày càng được quan tâm hơn từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề pháp lý liên quan đến sở hữu công nghiệp nên số lượt thông qua đăng ký xác lập nhãn hiệu ngày càng tăng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa hiểu được ý nghĩa đầy đủ về sở hữu công nghiệp nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung.
Ông Nguyễn Văn Viện, Giám đốc Trung tâm KH-CN (Sở KH-CN) chia sẻ, sở hữu trí tuệ mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi thế. Việc khai thác hiệu quả thông tin sở hữu trí tuệ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, quản lý tài sản trí tuệ, khai thác, sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp, đặc biệt là các công nghệ, sáng chế.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, bán hàng… mà chưa quan tâm đến việc bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu; nhận thức về sở hữu trí tuệ chưa đồng đều và đầy đủ…
* Hạn chế những rủi ro về hàng giả, gian lận thương mại
Theo các chuyên gia, khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, để cạnh trạnh ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng cũng như ngay trên “sân nhà”, doanh nghiệp trong nước cần chú trọng tính minh bạch trong xuất xứ, cung cấp các thông tin liên quan đến sản phẩm trên nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ… Qua đó, hạn chế những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại…
TS Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chia sẻ, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức tới việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu nên sẽ có thể mất đi nhiều cơ hội, lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Đặc biệt, nếu doanh nghiệp còn chần chừ trong vấn đề này thì dễ có nguy cơ bị mất độc quyền thương hiệu, nhãn hiệu, thậm chí không được sử dụng các “tài sản” về thương hiệu khi bị người khác đăng ký trước. Nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn khai thác và sử dụng dịch vụ sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các sở KH-CN ở các địa phương, trong đó có Đồng Nai, thiết lập các trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp (trạm IPPlatform).
Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, trong năm 2020, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra và xử lý 217 vụ vi phạm về hàng giả (hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…) trên địa bàn tỉnh, thu phạt nộp ngân sách nhà nước gần 1,3 tỷ đồng. Trong quý I-2021, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra 319 trường hợp và phát hiện 310 vụ vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn, trong đó có nhiều vụ liên quan đến vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh) vào tháng 3 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu trong thời gian tới, các thành viên của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh và các địa phương trong tỉnh cần chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tăng cường triển khai, thực hiện các quy chế phối hợp giữa các thành viên ban chỉ đạo trong công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại… |
Lam Phương
NGUỒN BAODONGNAI.COM.VN