Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, doanh nghiệp Việt ngày càng nhận ra tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi tham gia vào cuộc chơi quốc tế. Trên thực tế, nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước từng bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm và phần lớn bị mất thương hiệu.
Vì vậy việc các doanh nghiệp cần phải đăng ký nhãn hiệu ở các thị trường xuất khẩu càng trở nên quan trọng. Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, nhãn hiệu là yếu tố không thể thiếu và mang tính chất trọng tâm trong việc phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, nhất là khi xuất khẩu ra nước ngoài. Để nhãn hiệu được bảo hộ thì việc đăng ký ở đâu, quốc gia nào là điều rất quan trọng.
Trong quy luật chung, đăng ký tại từng nước sẽ rất tốn kém, mất công sức, nên hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế ra đời và Cục sở hữu trí tuệ là đơn vị đầu mối trong lĩnh vực này. Cụ thể, Công ước Paris cho phép các doanh nghiệp được đăng ký ở các nước trên thế giới.
Nhìn chung, nếu muốn phát triển các sản phẩm ở nước ngoài, doanh nghiệp cần có thương hiệu, thông thường được định vị qua nhãn hiệu là chủ yếu, nên muốn bảo vệ được thương hiệu ở nước ngoài thì cần đăng ký ở nước ngoài.
Bàn về ý nghĩa, vai trò của việc phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt trong nỗ lực xâm nhập, mở rộng thị trường ngoài nước, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, Bộ môn Quản trị thương hiệu – Khoa Marketing, Đại học Thương mại cũng chia sẻ, rào cản dẫn đến doanh nghiệp Việt không đăng ký nhãn hiệu do nhận thức của các chủ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp mình bé, không quan tâm đến trách nhiệm của mình. Không có một doanh nghiệp nào xây dựng thành công nếu không có quyết tâm bảo vệ thương hiệu. Ngoài ra, doanh nghiệp tìm hiểu về tiếng nước ngoài, chán nản. Bên cạnh đó, kinh phí đăng ký không rẻ cũng là rào cản.
Minh Hà