VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2021 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ DOANH NGHIỆP THÀNH VIÊN CỦA HIỆP HỘI
Ngày 07 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Tham dự có Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Phòng Thương
mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và Việt Nam và ý kiến các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết luận như sau:
1. Hiện nay, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Số lượng doanh nghiệp trung bình trên 1.000 dân và 1.000 lao động liên tục có sự gia tăng trong những năm gần đây; bình quân cả nước có 14,7 doanh nghiệp/1.000 năm 2019. Giai đoạn 2017-2019, tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP luôn chiếm tỷ trọng cao nhất và liên tục tăng, từ 42,9% năm 2017 lên mức 43,8% năm 2019. Năng suất lao động, trình độ công nghệ, năng lực đổi mới, sáng tạo, khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng tăng. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng; năng lực kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp dần được nâng lên.
2. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Hiệp hội DNNVV) với vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp và giữ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền. Với số lượng chiếm đa số trên tổng số doanh nghiệp của cả nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; trong đó đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng 50% lực lượng lao động của cả nước. Hiệp hội DNNVV đã phát triển mạng lưới đến chi hội cấp quận, huyện và một số địa bàn còn phát triển đến cấp xã, phường và làng nghề; tham gia tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên và cộng đồng các doanh nghiệp tham gia các phong trào mang nhiều ý nghĩa do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những thành tích, kết quả công tác và đóng góp quan trọng của Hiệp hội DNNVV và các thành viên của Hiệp hội DNNVV trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong những năm qua.
3. Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn một số tồn hạn, chế chủ yếu sau:
a) Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, thiếu đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao.
b) Các thành viên của Hiệp hội DNNVV phát triển còn thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; khả năng tiếp cận nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn; việc tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn hạn chế.
c) Một số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, vẫn còn hiện tượng gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nợ tín dụng quá hạn và nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
4. Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát; tuy nhiên tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng là rất lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, suy giảm thị trường tiêu thụ và dự báo sẽ vẫn chưa thể khắc phục ngay.
Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các Hiệp định thương mại vừa ký kết đang tạo ra cơ hội chưa bao giờ có nhưng cũng đi kèm rất nhiều thách thức và yêu cầu mới. Do đó, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên cần tập trung vào một số nội dung như sau:
a) Đẩy mạnh phát triển tổ chức, phấn đấu 63/63 tỉnh, thành có tổ chức của Hiệp hội DNNVV; qua đó, thực hiện tốt vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội; thường xuyên trao đổi
thông tin, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
b) Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội DNNVV phải thực sự đại diện cho nguyện vọng của các thành viên Hiệp hội DNNVV, xây dựng mối liên kết trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước; giữa các địa phương trên cả nước; phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở
cả Trung ương và địa phương phát động phong trào Khởi nghiệp sáng tạo trong nhân dân, nhất là trong độ tuổi thanh niên đầy hoài bão.
c) Đi đầu trong việc tăng cường ứng dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc thiết bị công nghệ cao vào sản xuất, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
d) Phát huy vai trò là đại diện cho các DNNVV để phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng các cơ chế chính sách tốt, phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
e) Chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình, dự án của các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp hội viên; qua đó nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề nghiệp cho các thành viên của Hiệp hội DNNVV; đặc biệt các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, áp dụng nền tảng công nghệ
4.0, nghiên cứu tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để phát triển.
f) Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai các nội dung hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5. Về các kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:
a) Về kiến nghị giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước có thể tham gia nhiều gói thầu; đồng thời có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này về vốn tín dụng, tư vấn, chuyên gia: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem
xét, nghiên cứu xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
b) Về kiến nghị phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền trong quá trình triển khai Đề án về Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27 tháng 07
năm 2020.
c) Về kiến nghị giao Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp: Đồng ý với kiến nghị của Hiệp hội DNNVV. Hiệp hội DNNVV chủ động xây dựng báo cáo về các khó khăn, vướng mắc của
cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất các sáng kiến, giải pháp hiệu quả, khả thi nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d) Về kiến nghị tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời cải tổ cơ chế hoạt động và giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay: Giao Bộ Tài chính nghiên cứu xử lý, đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn vướng mắc như Hiệp hội DNNVV đã nêu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
e) Về kiến nghị xem xét, ban hành những cơ chế, chính sách vượt trội để thu hút các nhà đầu tư FDI, nhưng trước hết là cần tập trung vào cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy áp dụng chính phủ điện tử: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ
quan liên quan nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
f) Về kiến nghị có cơ chế để liên kết, tập hợp các Hiệp hội, hội doanh nghiệp đại diện cho các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đảm bảo việc phối hợp triển khai nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hội viên và tham vấn chính sách cho Chính phủ một cách hiệu quả nhất: Giao Bộ Nội vụ chủ trì làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DNNVV và các cơ quan, hiệp hội liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý rõ ràng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
g) Về đề nghị khen thưởng Huân chương cho Hiệp hội DNNVV, Bằng khen cho tập thể, cá nhân của Hiệp hội DNNVV có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp: Căn cứ thành tích đạt được, Hiệp hội DNNVV đề nghị khen thưởng theo đúng quy định tại Luật Thi đua khen thưởng và các quy định pháp luật hiện hành về thi đua, khen thưởng.
Văn phòng Chính phủ thông báo các bộ, cơ quan liên quan biết, phối hợp thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Trần Văn Sơn |