BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2020/TT-BCT |
Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2020 |
QUY ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH VÀ MỨC CHI PHÍ
NGỪNG, CẤP ĐIỆN TRỞ LẠI
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại.
Thông tư này quy định phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại do các tổ chức, cá nhân liên quan phải trả cho bên bán điện để thực hiện ngừng và cấp điện trở lại trong các trường hợp như sau:
1. Ngừng, giảm cấp điện không khẩn cấp bao gồm:
a) Ngừng cấp điện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp để đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình;
b) Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo yêu cầu của bên mua điện.
2. Ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật bị bên bán điện ngừng cấp điện trong các trường hợp quy định tại Quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
1. Bên bán điện.
2. Bên mua điện yêu cầu bên bán điện ngừng cung cấp điện.
3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu bên bán điện ngừng cấp điện trong các trường hợp để đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình.
4. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật bị bên bán điện ngừng cấp điện trong các trường hợp quy định tại Quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
5. Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bên bán điện là đơn vị điện lực thực hiện ngừng, cấp điện trở lại, bao gồm: Đơn vị phân phối điện, Đơn vị phân phối và bán lẻ điện.
2. Bên mua điện là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng hoặc để bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện, bao gồm:
a) Đơn vị phân phối và bán lẻ điện;
b) Khách hàng sử dụng điện.
3. Đơn vị phân phối điện là đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối và bán điện, bao gồm:
a) Tổng công ty Điện lực;
b) Công ty Điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Công ty Điện lực tỉnh) trực thuộc Tổng công ty Điện lực;
c) Công ty Điện lực cấp quận, huyện trực thuộc Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
4. Đơn vị phân phối và bán lẻ điện là đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ điện, mua buôn điện từ Đơn vị phân phối điện để bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện.
Điều 4. Thu và hạch toán chi phí ngừng, cấp điện trở lại
1. Bên bán điện được phép thu chi phí ngừng, cấp điện trở lại theo quy định tại Thông tư này. Chi phí này nhằm bù đắp cho bên bán điện để thực hiện việc ngừng, cấp điện trở lại. Tiền thu chi phí ngừng và cấp điện trở lại được hạch toán vào doanh thu của bên bán điện (phân doanh thu sản xuất kinh doanh khác) và nộp thuế theo quy định.
2. Chi phí ngừng và cấp điện trở lại được thu như sau:
a) Thu trước khi ngừng cấp điện đối với đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Thông tư này;
b) Thu trước khi cấp điện trở lại đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này.
PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH VÀ MỨC CHI PHÍ NGỪNG, CẤP ĐIỆN TRỞ LẠI
Điều 5. Nguyên tắc tính mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại
1. Công thức tính mức chi phí cho một lần ngừng, cấp điện trở lại như sau:
T= M x k x n
Trong đó:
– T: Số tiền bên bán điện được phép thu để thực hiện việc ngừng, cấp điện trở lại;
– M: Mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại cơ sở quy định tại Điều 6 Thông tư này;
– k: Hệ số điều chỉnh theo khoảng cách quy định tại Điều 7 Thông tư này;
– n: Hệ số điều chỉnh theo vùng, miền quy định tại Điều 8 Thông tư này.
2. Mức chi phí cho 01 (một) lần ngừng, cấp điện trở lại quy định tại Điều này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Điều 6. Mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại cơ sở (M)
1. Công thức tính mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại cơ sở (M)
Mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại cơ sở (M) là mức chi phí cho 01 (một) lần ngừng, cấp điện trở lại tại khu vực đồng bằng, có khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện ngừng, cấp điện trở lại đến địa điểm thực hiện ngừng, cấp điện trở lại từ 5 km trở xuống được xác định bằng công thức sau:
M = Chi phí nhân công + Chi phí đi lại
Trong đó:
– Chi phí nhân công tính theo các yếu tố: Mức lương cơ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho 01 ngày công, hệ số lương bậc thợ, hệ số phụ cấp lưu động và số công cho 01 (một) lần đóng cắt theo các cấp điện áp;
– Chi phí đi lại: Được xác định là mức chi phí đi lại để thực hiện cho 01 (một) lần ngừng, cấp điện trở lại tại khu vực đồng bằng, có khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện ngừng, cấp điện trở lại đến địa điểm thực hiện ngừng, cấp điện trở lại từ 5 km trở xuống.
2. Mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại cơ sở (M) được quy định như sau:
a) Tại điểm có cấp điện áp từ 0,38 kV trở xuống: M = 98.000 đồng;
b) Tại điểm có cấp điện áp trên 0,38 kV đến 35 kV: M = 231.000 đồng;
c) Tại điểm có cấp điện áp trên 35 kV: M = 339.000 đồng.
Điều 7. Hệ số điều chỉnh theo khoảng cách (k)
1. Hệ số điều chỉnh theo khoảng cách (k) được xác định theo khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện ngừng, cấp điện đến địa điểm thực hiện ngừng, cấp điện trở lại.
2. Đối với khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, hệ số điều chỉnh theo khoảng cách k = 1, không phụ thuộc vào khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện ngừng, cấp điện trở lại đến địa điểm thực hiện ngừng, cấp điện trở lại.
3. Đối với khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt và tổ chức, cá nhân yêu cầu ngừng cấp điện, hệ số điều chỉnh theo khoảng cách được áp dụng như sau:
a) Đến 05 km: Hệ số k = 1;
b) Trên 05 km đến 10 km: Hệ số k = 1,14;
c) Trên 10 km đến 20 km: Hệ số k = 1,28;
d) Trên 20 km đến 30 km: Hệ số k = 1,42;
đ) Trên 30 km đến 50 km: Hệ số k = 1,56;
e) Trên 50 km: Hệ số k = 1,70.
Điều 8. Hệ số điều chỉnh theo vùng, miền (n)
1. Hệ số điều chỉnh theo vùng, miền (n) được xác định theo khu vực thực hiện ngừng, cấp điện trở lại.
2. Đối với khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, hệ số vùng, miền n = 1, không phân biệt khu vực đồng bằng, miền núi, hải đảo.
3. Đối với khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt và tổ chức, cá nhân yêu cầu ngừng cấp điện, hệ số điều chỉnh theo vùng, miền (n) được áp dụng như sau:
a) Tại khu vực đồng bằng: Hệ số n = 1;
b) Tại khu vực miền núi, hải đảo: Hệ số n = 1,15.
1. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Trường hợp có thay đổi về chính sách tiền lương dẫn đến chi phí ngừng, cấp điện trở lại thay đổi từ 30% trở lên so với mức đang được áp dụng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm cập nhật, tính toán lại mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại theo quy định tại Chương II Thông tư này, báo cáo Cục Điều tiết điện lực nghiên cứu, đề xuất, trình Bộ trưởng Bộ
Công Thương sửa đổi mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại cho phù hợp.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 10 năm 2020. Thông tư số 25/2014/TT-BCT ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại hết hiệu lực thi hành từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, nội dung mới phát sinh, các đơn vị có liên quan có trách nhiệm báo cáo Cục Điều tiết điện lực nghiên cứu, đề xuất, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư cho phù hợp./.
Nơi nhận:
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
– UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Bộ trưởng Bộ Công Thương;
– Các Thứ trưởng Bộ Công Thương;
– Cục Kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư pháp;
– Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
– Website: Chính phủ, Bộ Công Thương;
– Công báo;
– Website Chính phủ;
– Website Bộ Công Thương;
– Lưu: VT, PC, ĐTĐL.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Quốc Vượng