Vẫn còn một chặng đường dài phía trước để Nam Phi và các nước đang phát triển khác có thể sản xuất vắc xin và phương pháp điều trị Covid một cách nhanh chóng và không phải trả những khoản phí khổng lồ cho các công ty dược phẩm lớn của Mỹ và châu Âu.
Vừa qua, Tổ chức Thương mại thế giới WTO thông báo rằng diễn đàn thương mại gồm 180 thành viên đã thực hiện một bước tiến gần hơn tới việc từ bỏ bằng sáng chế, cho phép các nước đang phát triển sản xuất các loại thuốc họ cần – bao gồm vắc xin, kit test và phương pháp điều trị trong vòng 5 năm mà không phải trả tiền cho những gã khổng lồ trong ngành dược phẩm như Pfizer.
EU, Ấn Độ, Nam Phi và Mỹ, được gọi là Bộ tứ, tuyên bố đã đạt được thỏa thuận về đề xuất từ bỏ các khía cạnh liên quan đến thương mại của sở hữu trí tuệ. Trung Quốc dự kiến cũng sẽ bỏ phiếu ủng hộ điều này.
Theo Max Lawson, đồng chủ tịch của Liên Minh Vắc xin cho nhân dân cho biết: “Thật là một bi kịch khi phải mất gần hai năm và hàng triệu người chết mới đến được thời điểm này, và cũng thật đáng tiếc rằng hành động được đề xuất lại không đáp ứng đủ những gì cần thiết”.
Các nhà vận động y tế và chống đói nghèo cho rằng Tổng giám đốc của WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala dường như đã che chắn cho các hãng dược phẩm lớn thay vì thúc đẩy tiếp cận rộng rãi hơn như bà đã hứa. Trong khi đó những người ủng hộ Ngozi lại cho rằng bà ấy đang chơi một trò chơi dài, mặc dù đến thời điểm trò chơi này kết thúc thì Covid-19 có thể chỉ còn là một ký ức xa vời, và các cổ đông của Pfizer thậm chí còn giàu hơn bây giờ. Có thể hiểu rằng bà Ngozi ủng hộ việc từ bỏ hoàn toàn quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin Covid, tuy nhiên tiến trình hướng tới một bước đột phá vẫn còn là dấu hỏi, bất chấp những tuyên bố chính thức ngược lại.
Lawson cho biết WTO tiếp tục đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên nhu cầu sức khỏe toàn cầu. Trong khi đó, các quốc gia EU hiện đang bị phân tâm bởi cuộc chiến ở Ukraine, cũng muốn có những hãng dược phẩm lớn của riêng mình để cạnh tranh với các công ty đối thủ ở Mỹ. Các chuyên gia khác đã yêu cầu thay đổi toàn diện trong nhiều tháng. Trong một bức thư gửi cho tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vào tháng 3, Peter Kamalingin – giám đốc khu vực châu Phi của Oxfam; Jayati Ghosh – giáo sư kinh tế tại Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, và nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz đã cao buộc WTO thất bại trong việc cung cấp “bất cứ quyền tiếp cận có ý nghĩa nào đối với vắc xin, phương pháp điều trị hoặc xét nghiệm”.
Họ cho biết phía EU đã tạo ra hàng rào ngăn cản việc từ bỏ quyền SHTT, và chỉ trích Mỹ vì khăng khăng cho rằng việc từ bỏ quyền SHTT mà họ ủng hộ chỉ giới hạn ở vắc xin. EU và Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu các quốc gia tìm kiếm sự cấp phép trên cơ sở từng sản phẩm, nghĩa là không có con đường đơn giản nào cho các nhà sản xuất tiếp theo sản xuất và thâm nhập vào thị trường.
Cả ba chuyên gia đều là những người ủng hộ chiến dịch của Nam Phi trong việc đòi từ bỏ tất cả các quyền SHTT và bằng sáng chế về thuốc Covid, cho biết rằng các đề xuất của WTO cần thiết để bao gồm những phương pháp điều trị và chẩn đoán Covid-19 vì chúng là một phần quan trọng của kho vũ khí trong việc ngăn chặn, xử lý virus.
Những vấn đề mà Ramaphosa phải đối mặt trong việc tìm cách di chuyển bộ máy đưa ra quyết định chậm chạp của WTO là sự phức tạp của quá trình sản xuất vắc xin vốn dựa nhiều vào việc tiếp cận thông tin bằng sáng chế. Ông nhận thức được rằng việc loại bỏ các bí mật đằng sau các phương pháp điều trị Covid-19 sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng của hệ thống y tế của các nước nghèo hơn trong việc giải quyết các đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo.
Liên minh vắc xin nhân dân cho biết thêm rằng một yêu cầu khác của EU là các quốc gia muốn sản xuất vắc xin Covid-19 phải thông báo cho hội đồng Trips của WTO trước khi thực hiện bất kỳ quyền nào trong số này. Điều này giống như việc chống lưng cho áp lực từ các quốc gia nơi có các công ty dược phẩm lớn.
Tại sao phía EU và Mỹ lại làm khó? Bởi vì Moderna và Pfizer sử dụng IP của công ty Biontech của Đức sẽ ra mắt vắc xin mới trên thị trường vào mùa thu. Loại vắc xin này vừa giải quyết Omicron, cũng như các biến thể trước đó của Covid-19. Công ty CureVac của Đức cũng đã hợp tác với GSK của Anh để tạo ra phiên bản vắc xin của riêng họ, cũng khiến cho rất nhiều công ty dược phẩm khác săn lùng. Điều này có nghĩa là một lần nữa sẽ sớm có các loại thuốc mới tốt hơn cho các nước giàu. Các nước đang phát triển vẫn sẽ phải trả nhiều tiền nhất cho các loại vắc xin trước đó, ít phù hợp với các biến thể và đột biến của virus hơn.