Ngày 06 tháng 02 năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nâng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, trong đó, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm cải thiện từng chỉ số đổi mới sáng tạo theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trong Báo cáo về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, đồng thời, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng.
Với vai trò cơ quan đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo của các Bộ, ngành, địa phương theo phân công của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức hội thảo tập huấn và trực tiếp trao đổi, hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương. Cục Sở hữu trí tuệ được giao chủ trì 08 chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ nêu trong Báo cáo về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của WIPO.
Ảnh: Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại Lễ công bố Chỉ số ĐMST toàn cầu 2019 tại New Delhi – Ấn Độ
Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu và phương pháp tính toán
Giới thiệu về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)
Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực của các hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia, được Trường Kinh doanh INSEAD (Pháp) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007. Sau đó, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) đã tham gia để phát triển phương pháp luận và xây dựng mô hình đánh giá phù hợp hơn. Bộ công cụ đo này được cho là tốt hơn, phong phú và xác đáng hơn so với các thước đo ĐMST truyền thống như số lượng các bài báo nghiên cứu được công bố, số đơn đăng ký sáng chế hay chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (NC&PT).
Trong đánh giá của WIPO, ĐMST được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là ĐMST dựa trên NC&PT mà còn là những ĐMST không dựa trên NC&PT và bao trùm cả ĐMST về tổ chức, thị trường v.v… Cách tiếp cận này của tổ chức WIPO thể hiện quan điểm năng lực ĐMST của mỗi quốc gia có liên hệ mật thiết với trình độ phát triển và hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST của quốc gia đó và sự kết nối với các quốc gia/nền kinh tế khác. Với cách tiếp cận này, GII được tích hợp từ số đo (được quy chuẩn) của bảy (07) trụ cột lớn (pillars), mỗi trụ cột lớn được tích hợp từ số đo của ba (03) trụ cột nhỏ (sub-pillar, tạm gọi là nhóm chỉ số). Mỗi nhóm chỉ số bao gồm từ 02 đến 05 chỉ số thành phần (indicators), tổng thể có khoảng 70 – 80 chỉ số thành phần, thay đổi tùy từng năm. Năm 2017, có 81 chỉ số thành phần được sử dụng. Năm 2018, có 80 chỉ số thành phần được sử dụng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng GII
Các điểm số, xếp hạng từ năm này qua năm khác không so sánh trực tiếp được và nếu làm như vậy rất dễ dẫn đến những sai lệch. Kết quả xếp hạng của mỗi năm phản ánh vị trí tương đối của quốc gia/nền kinh tế trên cơ sở khung lý thuyết, các dữ liệu được sử dụng, và tổng thể các quốc gia được chọn tham gia xếp hạng của năm đó, đồng thời phản ánh thay đổi của chỉ số nội hàm và sự sẵn có của dữ liệu.
Có 4 yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng hàng năm của một quốc gia/nền kinh tế, đó là:
(i) mức độ thực hiện (performance) thực sự của quốc gia/nền kinh tế đó;
(ii) những điều chỉnh về khung lý thuyết GII;
(iii) cập nhật dữ liệu, cách xử lý giá trị ngoại lai, số liệu bị thiếu; và
(iv) việc thêm hay bớt các quốc gia/nền kinh tế trong mẫu so sánh.
Dữ liệu của chỉ số GII
Có khoảng trên dưới 30 nguồn dữ liệu/cơ sở dữ liệu được sử dụng để lấy thông tin, số liệu phục vụ tính toán GII. Trong đó, các cơ sở dữ liệu của Ngân hàng thế giới và các tổ chức của Liên hợp quốc là nhiều nhất. Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu của các tổ chức nghiên cứu độc lập hoặc kết quả nghiên cứu, khảo sát của một số tổ chức khác cũng được sử dụng. Một số chỉ số được lấy dữ liệu ở nhiều nguồn khác nhau (tùy thuộc vào từng quốc gia/nền kinh tế có số liệu sẵn có và cập nhật hơn ở nguồn nào).
Việc có dữ liệu lớn, đầy đủ và chính xác sẽ giúp một quốc gia hiểu rõ hơn các điểm mạnh và điểm yếu của mình, cũng như tạo điều kiện tốt hơn để các nhà hoạch định chính sách xây dựng kế hoạch và điều chỉnh chính sách một cách phù hợp.
Phương pháp tính toán chỉ số GII
Các chỉ số thành phần sử dụng hoàn toàn dữ liệu thứ cấp, là kết quả đã được thu thập và phân tích trực tiếp hoặc đã được tính toán tổng hợp bởi các tổ chức khác. Việc điều chỉnh phương pháp tính toán các chỉ số thành phần có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả tổng hợp chỉ số nhóm và chỉ số GII của một số nước. Vì vậy, trong một số trường hợp, nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo GII đã phải điều chỉnh lại phương pháp tính toán chỉ số thành phần, ví dụ như một số chỉ số của WIPO, WTO.
Ý nghĩa, nội hàm của các chỉ số GII liên quan trực tiếp tới sở hữu trí tuệ
Chỉ số 5.2.5 Số lượng họ sáng chế được nộp vào hai cơ quan
Số lượng họ sáng chế do cư dân nộp tại ít nhất hai cơ quan sở hữu trí tuệ (trên 1 tỷ $ GDP theo sức mua tương đương) .
Một “họ sáng chế” là một tập hợp các đơn sáng chế liên quan với nhau nộp vào một hoặc nhiều quốc gia hay vùng lãnh thổ (có quyền tài phán riêng) để bảo hộ cho cùng một sáng chế. Họ sáng chế bao gồm các đơn đăng ký sáng chế được nộp vào ít nhất hai cơ quan khác nhau thì được hiểu là một tập hợp con của họ sáng chế nhằm bảo hộ cho cùng một sáng chế tại ít nhất hai quốc gia khác nhau. Trong báo cáo này, “dữ liệu về họ sáng chế” đề cập đến các đơn đăng ký sáng chế do cư dân nộp tại ít nhất hai cơ quan sở hữu trí tuệ; dữ liệu được tính trên GDP theo sức mua tương đương (tỷ đô).
Ý nghĩa: Sáng chế nếu được ứng dụng trên thực tế mới có thể mang lại giá trị và được tính là ĐMST. Vì vậy, số lượng sáng chế cũng như đơn đăng ký sáng chế được coi là đầu vào cho ĐMST. Số lượng đơn sáng chế tính theo GDP càng nhiều thì điểm số và thứ hạng trong GII càng cao.
Chỉ số 5.3.1 Thanh toán tiền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ
Tổng chi cho việc sử dụng tài sản trí tuệ (% tổng giá trị giao dịch thương mại).
Tổng chi cho việc sử dụng tài sản trí tuệ chưa được đưa vào khoản thanh toán nào (% tổng giá trị giao dịch thương mại) theo Phân loại cán cân thanh toán dịch vụ mở rộng EBOPS 2010 – theo đó, chi phí theo mã HS (mã phân loại hàng hóa để xác định thuế xuất nhập khẩu) để sử dụng tài sản trí tuệ chưa được đưa vào khoản nào trong tổng giá trị giao dịch thương mại. “Tổng giá trị giao dịch thương mại” được xác định là tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa mã G và dịch vụ thương mại mã SOX (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ công chưa thuộc nhóm nào) cộng với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa mã G và dịch vụ thương mại mã SOX (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ công chưa thuộc nhóm nào), sau đó chia cho hai. Theo cẩm nang về Cán cân thanh toán quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế phiên bản lần 6, thuật ngữ “hàng hóa” bao gồm hàng hóa nói chung, xuất khẩu ròng hàng hóa theo cơ chế thương mại và vàng phi tiền tệ.
Ý nghĩa: Các giao dịch liên quan tới mua bản quyền tài sản trí tuệ được coi là đầu vào của ĐMST, do việc mua bản quyền nếu không áp dụng trên thực tế, tạo ra giá trị thì cũng chưa phải là ĐMST. Tuy nhiên, đây là đầu vào tiềm năng của các hoạt động ĐMST. Vì vậy, tỷ lệ giao dịch về tài sản trí tuệ giữa các quốc gia (GII không xem xét các giao dịch trong nước) trong tổng giao dịch thương mại càng cao thì điểm số và thứ hạng càng cao.
Chỉ số 6.1.1 Đơn đăng ký sáng chế theo nước xuất xứ
Số lượng đơn đăng ký sáng chế do cư dân nộp vào cơ quan sáng chế quốc gia hay khu vực nhất định(trên 1 tỷ $ GDP theo sức mua tương đương).
“Bằng độc quyền sáng chế” đã được định nghĩa trong phần mô tả của chỉ số 5.2.5. “Đơn đăng ký sáng chế của cư dân” là đơn được nộp vào cơ quan sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia hay vùng lãnh thổ (có quyền tài phán riêng), nơi mà chủ đơn đứng tên đầu tiên cư trú. Ví dụ, một đơn được nộp vào Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) của cư dân Nhật Bản thì được coi là đơn đăng ký sáng chế của cư dân cho Nhật Bản. Tương tự, một đơn đăng ký được nộp vào Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) bởi một cư dân tại bất kỳ quốc gia thành viên của EPO, ví dụ như Đức, thì được coi là đơn đăng ký sáng chế của cư dân cho quốc gia thành viên (Đức).
Ý nghĩa: Số lượng đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế do cư dân nộp vào cơ quan sáng chế quốc gia hay khu vực nhất định. Đây được xác định là đầu ra ĐMST. Số lượng này càng nhiều thì điểm số và thứ hạng càng cao.
Chỉ số 6.1.2 Đơn đăng ký sáng chế quốc tế theo PCT
Số lượng đơn đăng ký sáng chế quốc tế do cư dân nộp theo Hiệp ước về hợp tác sáng chế (trên 1 tỷ $ GDP theo sức mua tương đương).
Đây là số lượng đơn đăng ký sáng chế quốc tế được nộp trong năm thông qua Hiệp ước hợp tác quốc tế về sáng chế do WIPO quản lý. “Một đơn PCT quốc tế” được hiểu là một đơn đăng ký sáng chế nộp thông qua Hiệp ước hợp tác quốc tế về sáng chế (PCT) do WIPO quản lý trong pha quốc tế do hệ thống PCT đặt ra.
Ý nghĩa: Số lượng đơn đăng ký sáng chế quốc tế do cư dân nộp theo Hiệp ước về hợp tác sáng chế. Đây được xác định là đầu ra ĐMST. Số lượng đơn đăng ký trên GDP càng nhiều thì điểm số và thứ hạng càng cao.
Chỉ số 6.1.3 Đơn đăng ký giải pháp hữu ích theo nước xuất xứ
Số lượng đơn đãng ký giải pháp hữu ích do cư dân nộp tại cơ quan sáng chế quốc gia (trên 1 tỷ $ GDP theo sức mua tương đương).
Đây là số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích do cư dân nộp tại cơ quan sáng chế quốc gia hay cơ quan sáng chế khu vực nhất định trong năm. “Đơn đăng ký giải pháp hữu ích” được dùng để chỉ một đơn đăng ký được nộp tại cơ quan sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia hay vùng lãnh thổ (có quyền tài phán riêng) nơi mà cư dân là chủ đơn đứng tên đầu tiên trong đơn. Ví dụ, một đơn nộp vào cơ quan sở hữu trí tuệ của Đức do cư dân Đức thì được xem là đơn của cư dân tại Đức. Các điều khoản và điều kiện để cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích hơi khác so với những điều khoản và điều kiện để cấp bằng độc quyền sáng chế thông thường, bao gồm thời hạn bảo hộ ngắn hơn và yêu cầu bảo hộ ít nghiêm ngặt hơn. Giải pháp hữu ích đôi khi ở một số nước nhất định được gọi là “sáng chế nhỏ”, “sáng chế ngắn hạn” hoặc “sáng chế cải tiến”.
Ý nghĩa: Số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích do cư dân nộp tại cơ quan sáng chế quốc gia. Đây được xác định là đầu ra ĐMST. Số lượng này càng nhiều thì điểm số và thứ hạng càng cao.
Chỉ số 6.3.1 Khoản thu từ quyền sở hữu trí tuệ
Tổng thu cho việc sử dụng tài sản trí tuệ, (% tổng giao dịch thương mại).
Tổng thu cho việc sử dụng tài sản trí tuệ chưa được đưa vào khoản thu nào (% tổng giao dịch thương mại) theo Phân loại cán cân thanh toán dịch vụ mở rộng (EBOPS) 2010 – theo đó, tổng thu theo mã HS (mã phân loại hàng hóa để xác định thuế xuất nhập khẩu) để sử dụng tài sản trí tuệ chưa được đưa vào khoản thu nào trong tổng giao dịch thương mại.
“Tồng giao dịch thương mại” được xác định là tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa theo mã G và dịch vụ thương mại theo mã SOX (ngoại trừ các hàng hóa và dịch vụ công chưa thuộc nhóm nào) cộng với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa theo mã G và các dịch vụ thương mại theo mã SOX (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ công chưa thuộc nhóm nào), sau đó chia cho hai. Theo Cẩm nang về Cán cân thanh toán quốc tế của Quỹ Tiền tệ Thế giới phiên bản lần 6, thuật ngữ “hàng hóa” bao gồm hàng hóa nói chung, xuất khẩu ròng hàng hóa theo cơ chế thương mại và vàng phi tiền tệ. “Dịch vụ thương mại” bao gồm các “dịch vụ” trừ đi các “hàng hóa và dịch vụ công chưa thuộc nhóm nào”.
Ý nghĩa: Các giao dịch liên quan tới trả tiền bản quyền tài sản trí tuệ được coi là đầu ra của ĐMST, do việc bán được bản quyền tức là thương mại hóa tài sản trí tuệ, đưa tài sản trí tuệ vào trong thị trường, đó chính là ĐMST. Vì vậy, tỷ lệ tiền thu được từ các giao dịch về tài sản trí tuệ giữa các quốc gia (GII không xem xét các giao dịch trong nước) trong tổng giao dịch thương mại càng cao thì điểm số và thứ hạng càng cao.
Chỉ số 7.1.1 Số lượng nhóm của đơn đăng ký nhãn hiệu theo nước xuất xứ
Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu do cư dân nộp tại cơ quan nhãn hiệu quốc gia hoặc cơ quan nhãn hiệu khu vực nhất định (tính theo tỷ $ GDP theo sức mua tương đương).
Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu được tính dựa trên tổng số nhóm hàng hóa và dịch vụ được nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu của cư dân nộp tại cơ quan nhãn hiệu quốc gia hoặc cơ quan nhãn hiệu khu vực nhất định trong năm.
Ý nghĩa: Số lượng đăng ký nhãn hiệu hàng hoá là một chỉ số đầu ra của ĐMST. Việc đăng ký nhãn hiệu phần nào thể hiện kết quả đổi mới về sản phẩm của doanh nghiệp. Tỷ lệ đơn đăng ký nhãn hiệu trên GDP càng cao thì điểm số và thứ hạng trong GII càng cao.
Chỉ số 7.1.2 Kiểu dáng công nghiệp theo nước xuất xứ
Số lượng phương án kiểu dáng trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp nộp vào cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc khu vực nhất định (trên 1 tỷ $ GDP theo sức mua tương đương)
Chỉ số này đề cập đến số lượng phương án kiểu dáng trong các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp nộp tại cơ quan quốc gia hay cơ quan khu vực nhất định trong năm. Dữ liệu về phương án kiểu dáng trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được tính là số lượng các phương án trong các đơn đăng ký và bao gồm cả các phương án kiểu dáng trong các đơn kiều dáng công nghiệp nộp vào cả cơ quan quốc gia và cơ quan khu vực, nếu có. “Số kiểu dáng của cư dân” là số lượng phương án kiểu dáng công nghiệp trong các đơn đăng ký nộp tại cơ quan sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan sở hữu trí tuệ khu vực, nơi mà người nộp đơn cư trú.
Ý nghĩa: Số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là một chỉ số đầu ra của ĐMST. Số lượng đơn
đăng ký kiểu dáng công nghiệp càng nhiều thì điểm số và thứ hạng trong GII càng cao.
Thứ hạng các chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm gần đây
Bảng 1: Thứ hạng các chỉ số liên quan đến sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong những năm gần đây
Mã chỉ số
|
Tên chỉ số
|
2015
|
2016
|
2017
|
2018
|
2019
|
5.2.5
|
Số lượng họ sáng chế được nộp vào hai cơ quan |
96
|
90
|
96
|
98
|
84
|
5.3.1
|
Thanh toán tiền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ |
N/A
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
6.1.1
|
Đơn đăng ký sáng chế theo nước xuất xứ |
65
|
66
|
61
|
67
|
65
|
6.1.2
|
Đơn đăng ký sáng chế quốc tế theo PCT |
94
|
81
|
100
|
88
|
82
|
6.1.3
|
Đơn đăng ký giải pháp hữu ích theo nước xuất xứ |
37
|
34
|
35
|
35
|
35
|
6.3.1
|
Khoản thu từ quyền sở hữu trí tuệ |
N/A
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
7.1.1
|
Số lượng nhóm của đơn đăng ký nhãn hiệu theo nước xuất xứ |
22
|
17
|
20
|
18
|
24
|
7.1.2
|
Kiểu dáng công nghiệp theo nước xuất xứ |
53
|
36
|
33
|
37
|
43
|
* N/A: không có dữ liệu
Nguồn: Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (WIPO) 2015, 2016, 2017, 2018, 2019.
Bảng 2: Thứ hạng của Việt Nam trong Báo cáo về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của WIPO trong những năm gần đây so với các quốc gia ASEAN
STT
|
Quốc gia ASEAN
|
Năm 2015
|
Năm 2016
|
Năm 2017
|
Năm 2018
|
Năm 2019
|
1
|
VIETNAM
|
52
|
59
|
47
|
45
|
42
|
2
|
SINGAPORE
|
7
|
6
|
7
|
5
|
8
|
3
|
MALAYSIA
|
32
|
35
|
37
|
35
|
35
|
4
|
THAILAND
|
55
|
52
|
51
|
44
|
43
|
5
|
PHILIPPINES
|
83
|
74
|
73
|
73
|
54
|
6
|
INDONESIA
|
97
|
88
|
87
|
85
|
85
|
7
|
BRUNEI DARUSSALAM
|
N/A
|
N/A
|
71
|
67
|
71
|
8
|
CAMBODIA
|
91
|
95
|
101
|
98
|
98
|
9
|
MYANMAR
|
138
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
10
|
LAO PDR
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
11
|
PAPUA NEW GUINEA
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
12
|
TIMOR-LESTE
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
N/A
|
|
Thứ bậc của Việt Nam trong ASEAN
|
3
|
4
|
3
|
4
|
3
|
* N/A: không có dữ liệu
Nguồn: Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (WIPO) 2015, 2016, 2017, 2018, 2019.
CHIẾN LƯỢC SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐẾN NĂM 2030 GÓP PHẦN CẢI THIỆN CHỈ SỐ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA
Ngày 22 tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về sở hữu trí tuệ, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khẳng định sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Chiến lược đặt ra 5 nhóm mục tiêu phấn đấu đạt được, cụ thể là:
– Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
– Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
– Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể.
– Tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
– Hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao.
Chiến lược sẽ là kim chỉ nam để các Bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép nội dung sở hữu trí tuệ vào hoạt động quản lý nhà nước, từ đó triển khai thực hiện hoạt động sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng. Các giải pháp tổng thể này sẽ góp phần nâng tầm vị thế của quốc gia trong bản đồ sở hữu trí tuệ thế giới, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia./.
Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp
___________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sổ tay hướng dẫn về Chỉ Số Đổi Mới Sáng Tạo Toàn Cầu 2018, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
2. Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020.
3. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ ngày 06/02/2017 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
4. Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (WIPO), các năm 2012, 2013, 2014, 2015,2016, 2017. WIPO. Geveva.
5. OECD – World Bank. 2013. Innovation Review: Vietnam. The World Bank.
6. Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030: Phát triển toàn diện, hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam. (Ipvietnam.gov.vn).
Nguồn: Cục sở hữu trí tuệ