Với tình trạng tranh chấp tài sản trí tuệ ngày càng phức tạp, các công ty công nghệ cần chú trọng phân tích sở hữu trí tuệ để tìm ra khu vực đầu tư tiềm năng, tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của đối thủ.
Các vụ tranh chấp liên quan đến tài sản trí tuệ ngày càng phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc xác định các tranh chấp liên quan đối với tài sản trí tuệ ngày càng phức tạp. Nếu doanh nghiệp công nghệ không chú trọng đầu tư phân tích sở hữu trí tuệ, sẽ sớm phải đương đầu với các vấn đề về pháp lý, tranh chấp, kiện tụng.Theo bà Đoàn Thu Trang, đại diện Questel tại Việt Nam và Philipines, nếu như trước kia sáng chế chỉ được coi là giá trị bổ sung, công nghệ buộc phải là sản phẩm mới có thể tạo ra giá trị thương mại, thì nay sáng chế đã có thị trường riêng. Ví dụ như Huawei, Qualcomm đang có nguồn thu rất lớn từ phía bản quyền chuyển giao công nghệ.
Việc khai thác và phân tích thông tin nên được bắt đầu càng sớm càng tốt, ngay từ thời điểm bắt đầu hình thành ý tưởng, bởi một ý tưởng có giá trị phải tập trung vào khu vực đầu tư tiềm năng và không xâm phạm vào quyền sở hữu trí tuệ của các đối thủ trên thị trường.
Cũng theo đại diện của Questel, trong năm đầu, các công ty công nghệ nên hướng tới việc cắt bỏ bớt công nghệ thiếu tiềm năng phát triển để tối ưu hóa chi phí đầu tư. Với các công nghệ quan trọng, cần nộp đơn sáng chế để bảo vệ tối đa.
Trong 3-5 năm tiếp theo, doanh nghiệp cũng chưa nên thực hiện thương mại hóa vì cần chờ sáng chế được cấp bằng, cần thử nghiệm công nghệ, đánh giá thị trường, khắc phục nhược điểm và đưa ra những quyết định chuyển hướng đầu tư.
Từ 5-10 năm cuối là giai đoạn thương mại hóa công nghệ, phát triển công nghệ nối tiếp và theo dõi hoạt động của đối thủ cạnh tranh để đảm bảo vị thế cạnh tranh trên thị trường, hoặc tiến hành thương thảo khi cần thiết.
Cần có quỹ sáng chế chung để kết nối giữa doanh nghiệp và các nhà sáng chế, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và tránh rủi ro về xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Ông Phùng Minh Hải, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) từ trước đến nay, thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghệ (li-xăng) chỉ diễn ra giữa doanh nghiệp và nhà sáng chế. Khi đó, một sáng chế có thể li-xăng cho nhiều doanh nghiệp và các doanh nghiệp khi phải đàm phán các sáng chế trong cùng lĩnh vực, họ phải đàm phán riêng lẻ với nhiều nhà sáng chế, lúc đó người nào đàm phán giỏi sẽ có giá tốt và ngược lại.Theo các chuyên gia, hiện nay số lượng tài sản trí tuệ được xác lập quyền ít, khả năng khai thác thương mại chưa cao và các tổ chức, cá nhân chưa coi sử dụng tài sản trí tuệ là một công cụ quan trọng. Vì vậy, thực trạng chuyển giao công nghệ (chuyển giao tài sản trí tuệ) thường diễn ra giữa các viện, các trường đại học và doanh nghiệp nhưng còn mang tính cục bộ, phạm vi hẹp, hình thức chuyển giao còn đơn giản và dễ xảy ra tranh chấp.
Vì vậy ông Hải cho rằng, để hỗ trợ thương mại hóa sáng chế đối với các công nghệ phức tạp, cần xây dựng quỹ sáng chế chung. Quỹ này sẽ đại diện cho các doanh nghiệp, hoạt động đàm phán nhiều bên với nhà sáng chế.
“Đây là cơ chế một cửa khi đàm phán chuyển giao công nghệ, làm giảm chi phí giao dịch của doanh nghiệp, giảm kiện tụng, ngăn chặn sự độc quyền sáng chế,và giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin kĩ thuật tốt hơn”, ông Hải nói.
Nguồn thegioitiepthi.vn