Ngày 29/11/2019, Cục Sở hữu trí trí tuệ đã tổ chức buổi tọa đàm “Bảo hộ nhãn hiệu ba chiều ở Việt Nam và một số nước trên thế giới”.
Với yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao thì hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ nhãn hiệu của Việt Nam nói riêng phải luôn được hoàn thiện, điều chỉnh mở rộng các đối tượng bảo hộ để thích ứng với luật pháp quốc tế. Mặc dù dấu hiệu có dạng hình ba chiều vốn đã được ghi nhận là dấu hiệu có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ nhưng thực tiễn cho thấy còn rất nhiều vấn đề chưa cụ thể, rõ ràng trong các quy định pháp luật cũng như vướng mắc trong quá trình thẩm định và bảo vệ quyền liên quan đến loại nhãn hiệu này.
Xác định rằng việc thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho thẩm định viên và các chuyên viên xử lý các công việc có liên quan hoạt động thẩm định là đòi hỏi sống còn đảm bảo chất lượng và hiệu quả xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, Lãnh đạo Cục rất khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, các buổi tọa đàm trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Với tinh thần đó, thực hiện kế hoạch đào tạo của Cục năm 2019, được sự đồng ý của Lãnh đạo Cục, ngày 29/11/2019, Cục Sở hữu trí trí tuệ đã tổ chức buổi tọa đàm “Bảo hộ nhãn hiệu ba chiều ở Việt Nam và một số nước trên thế giới”.
Ông Lê Tất Chiến – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn phát biểu tại tọa đàm
Buổi tọa đàm có sự tham gia của hơn 80 đại biểu đến từ Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu, Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu quốc tế và Chỉ dẫn địa lý, Trung tâm thẩm định Kiểu dáng công nghiệp, Trung tâm Thẩm định sau cấp văn bằng, Phòng Pháp chế – Chính sách, Phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Phòng Đăng ký và các thành viên của nhóm công tác xây dựng Quy chế thẩm định nhãn hiệu.
Mở đầu buổi tọa đàm, bà Dương Thị Thu Quỳnh đến từ Trung tâm thẩm định Nhãn hiệu (Cục SHTT) giới thiệu bức tranh toàn cảnh về bảo hộ nhãn hiệu ba chiều ở Việt Nam từ quy định pháp luật, thực tiễn thẩm định đến những vướng mắc cần tháo gỡ trong quy định pháp luật và áp dụng pháp luật. Có thể thấy nổi bật lên trong phần trình bày này là trong Luật SHTT mới quy định dấu hiệu dạng hình ba chiều được chấp nhận bảo hộ với tư cách là nhãn hiệu, nhưng chưa có các quy định cụ thể, hướng dẫn thẩm định dành riêng cho loại nhãn hiệu đặc biệt này. Điều đó dẫn đến khó khăn, lúng túng cho thẩm định viên trong thẩm định đơn và đã có một số trường hợp kết quả thẩm định không thống nhất.
Nhìn ra thế giới, Luật sư Lê Quang Vinh – Công ty Luật TNHH Bross và Cộng sự giới thiệu các quy định pháp luật quốc tế liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu ba chiều và dẫn ra kết luận của Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (INTA) liên quan đến vấn đề này “INTA trong một nghị quyết ngày 7/5/1997 về bảo hộ nhãn hiệu 3 chiều đã thừa nhận rằng không có sự đồng thuận ở cấp độ quốc tế về việc liệu hình dáng 3 chiều có được bảo hộ với tư cách là nhãn hiệu hay không”. Trong phần trình bày của mình, ông Vinh cũng giới thiệu một số vụ việc điển hình của Hoa Kỳ để các đại biểu cùng tham khảo.
Ở góc nhìn khác, Luật sư Đoàn Hồng Sơn – Công ty luật IPMax đã giới thiệu về các quy định pháp luật và thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu ba chiều ở Liên minh châu Âu. Điểm khác biệt nổi bật có thể thấy giữa hai hệ thống pháp luật Hoa Kỳ và châu Âu liên quan đến chủ đề của tọa đàm này là các quy định về bảo hộ nhãn hiệu ba chiều ở châu Âu được quy định khá rõ ràng, có tính hệ thống, từ khái niệm, các dạng tồn tại, dấu hiệu không được bảo hộ, đến các bước đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu ba chiều.
Sau phần trình bày của các diễn giả, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận rất sôi nổi nhiều vấn đề như dấu hiệu thế nào được coi là nhãn hiệu ba chiều; sử dụng dấu hiệu ba chiều thế nào được coi là sử dụng đúng với chức năng của một nhãn hiệu; liệu một đồ chứa đựng với hình dáng thông thường trong lĩnh vực có liên quan nhưng có gắn thành phần phân biệt dưới dạng một nhãn hiệu hai chiều thì có được coi là một nhãn hiệu ba chiều hay không và nếu có thì phạm vi bảo hộ của dấu hiệu này sẽ thế nào…
Từ những phân tích, trao đổi trong buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự thống nhất cao rằng cần phải đề nghị cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn cụ thể trong Quy chế thẩm định nhãn hiệu nội dung liên quan đến nhãn hiệu ba chiều trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo, vận dụng có chọn lọc các quy định và thực tiễn ở các nước như Hoa Kỳ, EU và hoàn thiện các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, các văn bản dưới luật nội dung liên quan đến loại nhãn hiệu này. Các đại biểu trong và ngoài Cục đều chung mong muốn trong tương lai các trao đổi chuyên môn tương tự nên được tổ chức thường xuyên để kịp thời phát hiện và tìm ra hướng tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thẩm định nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xác lập quyền SHCN.
Nguồn:TTNCĐT