Những điều lưu ý khi xảy ra tranh chấp về sở hữu trí tuệ
1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ
Khi có tranh chấp về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp, cá nhân cần nắm được các loại biện pháp hiện nay dùng để giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ, cụ thể là biện pháp hình sự, hành chính và dân sự. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm được thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Dẫn đến trên thực tế, đa phần các tranh chấp về sở hữu trí tuệ đều được xử lý bằng biện pháp hành chính, ít có tính răn đe trong khi những tranh chấp này lẽ ra phải xử lý bằng con đường tố tụng dân sự. Do đó, các doanh nghiệp, cá nhân cần lưu ý kỹ về thẩm quyền trước khi tiến hành giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Cụ thể:
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật; và
- Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Chuẩn bị đầy đủ tài liệu, hồ sơ và nghĩa vụ chứng minh
Việc chuẩn bị đầy đủ tài liệu, hồ sơ trước khi tham gia giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ là điều bắt buộc phải có. Thực tế, đây là một quá trình lâu dài để các doanh nghiệp, cá nhân có thể chứng minh được sự vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, sản phẩm, tác phẩm văn học… trong đó, bao gồm việc thu thập chứng cứ, kiểm định. Ở giai đoạn này, tổ chức, cá nhân có thể tìm đến Công ty luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam để nhờ hỗ trợ giấy tờ, hồ sơ và tư vấn pháp lý.
Về nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn, nguyên đơn chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bằng một trong các chứng cứ sau đây:
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, văn bằng bảo hộ; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan, Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ;
- Chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; chứng cứ cần thiết để chứng minh quyền đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng ; và
- Bản sao hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong trường hợp quyền sử dụng được chuyển giao theo hợp đồng.
Nguyên đơn phải cung cấp các chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Về nghĩa vụ chứng minh của bị đơn, trong vụ kiện về xâm phạm quyền đối với sáng chế là một quy trình sản xuất sản phẩm, bị đơn phải chứng minh sản phẩm của mình được sản xuất theo một quy trình khác với quy trình được bảo hộ trong các trường hợp sau đây:
- Sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ là sản phẩm mới; và
- Sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ không phải là sản phẩm mới nhưng chủ sở hữu sáng chế cho rằng sản phẩm do bị đơn sản xuất là theo quy trình được bảo hộ và mặc dù đã sử dụng các biện pháp thích hợp nhưng vẫn không thể xác định được quy trình do bị đơn sử dụng.
3. Văn bằng bảo hộ và hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
Văn bằng bảo hộ ghi nhận chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu (sau đây gọi là chủ văn bằng bảo hộ); tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ.
Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.
Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
- Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu; hoặc
- Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trong các trường hợp nêu trên với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.
Về thời hiệu yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ; đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.
4. Các biện pháp dân sự mà Tòa án có thể áp dụng
Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại; và
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Trong quá trình giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ doanh nghiệp ắt hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn do vướng mắt đối với các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ, pháp luật cạnh tranh. Để đạt được hiệu quả trong tranh chấp về sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp, cá nhân nên tham khảo ý kiến tư vấn pháp lý của công ty luật chuyên về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.