Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh không chỉ là sân khấu để các vận động viên trên toàn thế giới tỏa sáng mà còn là cơ hội hấp dẫn để những kẻ phá hoại thương hiệu khai thác danh tiếng của những nhân vật đáng nhớ của các kỳ thi đấu. Cục Sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc (CNIPA) ngày 14 tháng 2 vừa qua thông báo đã từ chối 429 đơn đăng ký nhãn hiệu có tên liên quan đến Thế vận hội, chẳng hạn như linh vật chính thức Bing Dwen Dwen và vận động viên đoạt huy chương vàng trượt tuyết tự do Eileen Gu. Trong số 429 đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối có 133 đơn liên quan đến Bing Dwen Dwen, 62 đơn liên quan đến đối tác Paralympics mùa đông Shuey Rhon Rhon và 13 tên lai giữa hai đơn vị này. Linh vật Bing Dwen Dwen được săn đón rất nhiều là một con gấu trúc trong bộ đồ băng với ký tự “Bing” có nghĩa là băng trong tiếng Trung Quốc. Shuey Rhon Rhon là linh vật của Paralympic là một chiếc đèn lồng Trung Quốc được nhân cách hóa với ký tự “Shuey” có nghĩa là tuyết trong tiếng Trung Quốc.
Trong số các nhãn hiệu bị từ chối có 31 nhãn hiệu có nguồn gốc từ tên của vận động viên trượt tuyết tự do sinh ra ở Mỹ Eileen Gu – người đã thi đấu cho Trung Quốc và giành được hai huy chương vàng và một huy chương bạc tại Thế vận hội mùa đông 2022. Mặc dù thông báo của CNIPA tập trung vào thế vận hội mùa đông 2022 nhưng danh sách các đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối cũng bao gồm một số lượng đáng kể các tên từ Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 trước đó, bao gồm 183 nhãn hiệu dựa trên tên và biệt danh của thợ lặn Quan Hongchan – người đã giành huy chương vàng trong nội dung nhảy cầu 10 mét, đạt kỷ lục cá nhân ở tuổi 14.
Theo Bruce Fu, luật sư về của Golden Gate Lawyers ở Bắc Kinh, CNIPA đã chính thức từ chối hoặc vô hiệu hóa các nhãn hiệu theo Quy định tại Điều 10.1.8 của Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc, theo đó cấm sử dụng hoặc đăng ký nhãn hiệu gây ảnh hưởng bất lợi. Ảnh hưởng bất lợi được hiểu là tác động tiêu cực đến lợi ích công công xã hội hoặc trật tự công cộng và phong tục. CNIPA cho rằng những nhãn hiệu đó gây tổn hại đến lợi ích và trật tự công đồng. Theo quy định tại Luật Nhãn hiệu nước này, đây là hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất đối với các đơn đăng ký hoặc đăng ký nhãn hiệu độc hại.
Ngoài ra theo ông Fu, CNIPA cũng có quyền từ chối hoặc vô hiệu hóa các đơn đăng ký hoặc đăng ký nhãn hiệu theo các Điều khoản sau đây của Luật Nhãn hiệu:
- Điều 4: Chống lại các nhãn hiệu không nhằm mục đích sử dụng;
- Điều 10.1.7: Chống lại các nhãn hiệu có các đặc điểm lừa dối, chẳng hạn như nhãn hiệu bao gồm tên của người nổi tiếng trong một số lĩnh vực nhất định có khả năng gây hiểu lầm về chất lượng hoặc các tính năng khác của sản phẩm;
- Điều 44.1: Chống lại các hành vi nộp đơn đăng ký nhiều nhãn hiueej của các bên khác, hoặc đăng ký nhiều nhãn hiệu làm tổn hại đến quyền trước của các bên khác, được coi là làm tổn hại đến trật tự đăng ký nhãn hiệu, lợi ích công cộng hoặc chiếm dụng tài nguyên công một cách không công bằng, hoặc thu lợi bất chính.
Ngoài việc từ chối và vô hiệu, nếu các vận động viên muốn đảm bảo quyền Sở hữu trí tuệ của mình, họ cũng có thể chủ động nộp đơn lên CNIPA để từ chối hoặc làm mất hiệu lực các nhãn hiệu độc hại như ông Fu đề xuất. Họ có thể “tấn công” các nhãn hiệu độc hại dựa trên các quyền về tên, quyền nhãn hiệu, bản quyền, quyền bằng sáng chế thiết kế, v.v.
Đối với Ủy ban Olympic, quyền Sở hữu trí tuệ của họ được bảo vệ nhiều hơn bởi các quy định của Trung Quốc. Theo ông Bruce Fu, Ủy ban Olympic có thể bảo vệ các mã nhận dạng của mình bao gồm biểu trưng Olympic, tên, linh vật, v.v. theo Quy định về Bảo vệ Biểu tượng Olympic của Trung Quốc.