Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp virus ngày càng biến đổi nguy hiểm hơn, nhu cầu mua vaccine của các nước trên thế giới cũng không ngừng tăng cao nhằm hướng tới mục tiêu nhanh chóng ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Lợi dụng nhu cầu này, hàng loạt kẻ xấu đã sử dụng những chiêu trò lừa đảo tinh vi để bán các lô vaccine COVID-19 giả cho các tổ chức, cá nhân để thu lời bất chính.
Những vụ lừa đảo tiêu biểu nhất liên quan tới việc mua bán vaccine COVID-19 có thể nhắc tới như: Vào tháng 7/2021, khoảng 2.500 người ở Ấn Độ đã trở thành con mồi của một vụ lừa đảo tiêm vaccine AstraZeneca giả mà thực chất chỉ là nước muối sinh lý dưới sự hợp tác từ những kẻ lừa đảo và các bác sĩ, nhân viên y tế đồng lõa. Ước tính, vụ lừa đảo có tổ chức này thu về tổng cộng 28.000 USD.
Trước đó, cũng tại Ấn Độ, vào tháng 6/2021, đã có 12 ổ tiêm chủng gần trung tâm tài chính Mumbai đã tiêm vaccine Spunik V giả cho người dân.
Ngoài ra, vào tháng 4/2021, hàng loạt lô vaccine COVID-19 giả mạo sản phẩm của Pfizer đã được phát hiện tại Mexico và Ba Lan. Cảnh sát mạng Mexico đã phát hiện vụ việc qua những lời chào hàng trên mạng xã hội. Kể từ đầu năm 2021, cơ quan quản lý y tế Mexico đã ban hành 6 cảnh báo sức khỏe chống lại việc buôn bán bất hợp pháp các loại vaccine COVID-19 gồm AstraZeneca, CanSino, Moderna, Sinovac, Sinopharm và Pfizer. Trong khi đó, Sinopharm và Moderna còn chưa được chính thức lưu hành ở đất nước này.
Với tình hình vaccine COVID-19 vẫn đang còn khan hiếm tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc tồn tại những hình thức tinh vi nhằm lừa bán vaccine giả là điều không chỉ gây thiệt hại tới kinh tế mà còn tạo nguy cơ gây hại tới sức khỏe đối với người bị lừa khi sử dụng sản phẩm không có khả năng tạo miễn dịch.
Hiểu rõ đây sẽ là một thảm họa, UNICEF đang mở thầu một dự án phát triển giải pháp dựa trên blockchain, gọi là Global Trust Repository (GTR).
Giải pháp của UNICEF cho phép các nước không có hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia quét mã xác minh các gói COVID-19 trong chuỗi cung ứng hợp pháp. Các mã số sản phẩm độc nhất sẽ được so sánh với kho lưu trữ mã được bảo mật bằng blockchain do các nhà sản suất GTR ban đầu tạo ra. Điều này sẽ đảm bảo phát hiện và loại bỏ những sản phẩm giả mạo khỏi chuỗi cung ứng.
Bên cạnh GTN, các nhà sản xuất vaccine cũng có thể ứng dụng công nghệ nhúng các tính năng bảo mật như làm nhãn vô hình trong bao bì chính trong quá trình sản xuất để chống giả mạo nhãn mác. Điều này tương đương với việc các ngân hàng đóng dấu mờ (watermark) đảm bảo chứng chỉ tiền của mình hoặc chính phủ đánh dấu các bao thuốc lá để thu đầy đủ thuế tiêu thụ đặc biệt.
Có thể nói, việc tăng cường liên hệ giữa sản phẩm vật lý và bản sao song sinh kỹ thuật số của nó sẽ đảm bảo rằng nhiều sản phẩm giả sẽ được xác định và loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng.
Hiện, UNICEF đang tiếp tục kêu gọi ngành dược phẩm thế giới tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện tốt hơn sáng kiến chống vaccine giả.
Thái An
Nguồn sohuutritue.net.vn/