Hiện nay, hoạt động trong bất kỳ một lĩnh vực nào, sản xuất sản phẩm hay cung cấp dịch vụ thì bản thân doanh nghiệp cũng cần xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp.
Nếu không có chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp sẽ không có định hướng lâu dài để xây dựng và phát triển. Việc xây dựng chiến lược kinh doanh phải mang tính thực tế và dễ hình dung chính xác những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của doanh nghiệp.
Và trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp đều phải huy động các nguồn lực, nghiên cứu, sáng tạo ra và/hoặc sử dụng rất nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ. Vì vậy doanh nghiệp cần xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết nhằm định hướng nghiên cứu, đầu tư, phân bổ nguồn lực cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, quản lý cũng như thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đạt hiệu quả tốt nhất từ các quyền sở hữu trí tuệ và quan trọng nhất là cần xây dựng chiến lược về SHTT một cách khoa học và hợp lý. Để SHTT thực sự trở thành một loại tài sản đặc biệt góp phần nâng cao giá trị và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, loại tài sản này cần phải được quản lý và sử dụng có chiến lược.
Về vai trò của SHTT đối với doanh nghiệp, các chuyên gia nhận định SHTT là chìa khoá để tạo động lực đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, tăng cường nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới phù hợp với xu hướng thị trường, tiếp nhận các thành tựu kỹ thuật có sẵn thông qua chuyển giao công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ vây, SHTT còn tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ trên thị trường, tạo ra những sản phẩm dịch vụ với hiệu quả vượt trội và giá thành hợp lý, nhờ đó sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có thể vượt qua các sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh cùng lĩnh vực trên thị trường.
SHTT cũng giúp phát triển giá trị tài sản cho doanh nghiệp thông qua thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng doanh thu với các sản phẩm dịch vụ ưu việt và hấp dẫn được ứng dụng tài sản SHTT mới. Đồng thời nó giúp thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư, tăng gia trị của doanh nghiệp trong các giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) và cổ phần hoá.
Có thể thấy, nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh và chiến lược SHTT. Người lãnh đạo phải định hướng và xác định chiến lược của công ty, và nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của SHTT trong chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Minh Anh